Alibaba của thị trường bất động sản
Năm 2000, nhà khởi nghiệp Zuo Hui bắt đầu nảy sinh ý tưởng bán nhà cho người mua cá nhân. Đây được coi là một nước đi táo bạo khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc thời điểm này chỉ vào khoảng 1.000 USD còn chính phủ mới thông qua chính sách cho phép sở hữu tài sản tư nhân cách đây 2 năm. Cũng tại thời điểm đó, Trung Quốc chưa thực sự có một tỷ phú USD nào khi thị trường bất động sản còn ảm đạm sau cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1990.
"Tại thời điểm đó, không có nhiều cá nhân muốn mua nhà", tỷ phú Zuo nhớ lại.
Ngày nay, Trung Quốc đã là thị trường bán lẻ bất động sản lớn nhất thế giới tính theo tổng giá trị giao dịch (GTV). Bất chấp dịch Covid-19, tổng doanh số bán nhà cũ và mới tại nước này ước tính đạt tới 3,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, tăng 3% so với năm trước.
Trong sự bùng nổ đó, hãng KE Holding của tỷ phú Zuo như một người hưởng lợi lớn do đã thâm nhập thị trường từ lâu. Điều đặc biệt là khi các thị trường bất động sản khác phân biệt thành nhiều nhóm như nhà môi giới, nhà phát triển, nhà thầu hay các trang web niêm yết thì KE Holdings lại hoạt động như một tổng hòa của tất cả.
Hiện KE Holdings có một hệ thống với 42.000 văn phòng giao dịch, hơn 450.000 nhân viên môi giới. Trang Housing Dictionary của KE hiện là website lớn nhất Trung Quốc về dữ liệu thị trường bất động sản với khoảng 220 triệu hồ sơ về bản đồ chi tiết các khu vực bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm…
Nghiệp vụ của KE cũng vô cùng đa dạng khi công ty làm việc với nhà phát triển để xây dựng cũng như mở bán các dự án mới. Hãng cũng cung cấp dịch vụ cải tạo, nâng cấp nếu khách hàng có nhu cầu. Thậm chí KE Holdings còn phát triển công nghệ không gian ảo để khách hàng có thể tham quan dự án mà chẳng cần đến tận nơi, một kỹ thuật vô cùng có ích trong mùa dịch Covid-19. Trong năm vừa qua, dự án không gian ảo của KE đã có hơn 420 triệu lượt theo dõi.
Với trụ sở tại Bắc Kinh, hiện KE Holdings là nhà môi giới và cung ứng dịch vụ bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo tổng giá trị giao dịch. Năm 2019, GTV của KE đạt tới 318 tỷ USD, tăng 85% so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch Covid-19 nhưng tổng GTV của KE vẫn đạt tới 198 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia đã nhận định KE hiện nay chẳng khác nào một Alibaba của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Tuy nhiên do mở rộng chi nhánh quá nhanh nên KE hiện không có nhiều lợi nhuận. Năm 2019, hãng lỗ tới 326 triệu USD trên tổng doanh thu 6,9 tỷ USD.
Vào tháng 8 vừa qua, tỷ phú Zuo đã phát hành cổ phiếu của KE lần đầu ra công chúng (IPO), qua đó gọi vốn được 2,4 tỷ USD trên sàn chứng khoán New York. Khởi điểm với giá 20 USD, cổ phiếu của KE đã nhanh chóng tăng lên 75 USD/cổ.
Từ kẻ bán bảo hiểm đến ông trùm bất động sản
Chặng đường khởi nghiệp của Zuo chẳng hề dễ dàng. Tốt nghiệp khoa máy tính trường đại học công nghệ hóa học Bắc Kinh vào năm 1992, Zuo bắt đầu đi bán bảo hiểm do chẳng kiếm được việc làm ổn định. Tương tự như bao thanh niên mới tốt nghiệp thời đó, Zuo khó kiếm được việc làm tốt với tấm bằng từ một trường không mấy danh tiếng. Ông đã trải qua nhiều nghề mưu sinh trước khi đến được thị trường bất động sản.
Vào năm 1998, Trung Quốc thực hiện một cuộc cải cách toàn diện khi cho phép tư nhân có quyền sở hữu bất động sản. Nắm bắt được thời cơ này, Zuo thành lập Beijing Lianjia vào năm 2001 với dịch vụ chính là môi giới nhà ở.
Tận dụng việc đi tiên phong trong thị trường bất động sản còn sơ khai ở Trung Quốc, nhà khởi nghiệp Zuo đã phát triển Lianjia thành hãng môi giới lớn nhất nước. Năm 2008, Lianjia xây dựng Housing Dictionary với nhiệm vụ thu thập thông tin bất động sản, quy hoạch, qua đó trở thành trang web dữ liệu lớn nhất Trung Quốc về thị trường nhà ở.
Không dừng lại ở đó, Zuo tiếp tục mở Yiju Taihe vào năm 2010 với nghiệp vụ chính là hỗ trợ tài chính cho các dự án hay khách hàng mua bất động sản.
Đến năm 2018, Lianjia đã hoạt động mạnh tại 29 thành phố lớn trên toàn Trung Quốc và Zuo tiếp tục những bước đi tiên phong khi mở ứng dụng Beike, chuyên về giao dịch bất động sản online.
Theo tỷ phú Zuo, dịch Covid-19 không những ảnh hưởng xấu mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản với lượng lớn người truy cập vào Beike. Thu nhập được nâng cao của người dân đã làm gia tăng nhu cầu mua nhà tại các vùng đô thị. Trong 2 năm vừa qua, khoảng 40% số thương vụ của Lianjia tại các thành phố như Bắc Kinh hay Thượng Hải đến từ những khách hàng vốn đã có nhà nhưng muốn mua thêm.
Thêm nữa, tỷ phú Zuo cho rằng tốc độ đô thị hóa cùng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ còn khiến thị trường bất động sản trở nên nóng bỏng. Ngoài ra, sự chưa chuyên nghiệp hóa trên thị trường cũng giúp Lianjia có rất lớn tiềm năng phát triển. Hiện nay chỉ có khoảng 26% doanh số bán nhà mới được hoàn thành qua môi giới, thấp hơn rất nhiều mức 70% tại Mỹ. Phần lớn những công ty xây dựng dự án nhà ở tại Trung Quốc hiện nay có đội ngũ bán hàng riêng thay vì thuê các hãng môi giới.
Bên cạnh đó, tỷ phú Zuo cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc còn thiếu những tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng hay nhiều dịch vụ chuyên nghiệp để phát triển, qua đó khiến nhiều nhà môi giới bị nhầm lẫn, lạc hậu thông tin, hay thậm chí bị lừa khi giao dịch.
Ngày nay, với kiến thức về công nghệ máy tính của mình, Zuo đang cố gắng phát triển một Lianjia mới để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Năm 2019, chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) của Lianjia đã lên tới hơn 200 triệu USD, cao gấp đôi so với năm 2018. Khoảng 30% số tiền từ IPO cũng sẽ được tỷ phú Zuo đưa vào R&D.
Theo nhiều ước tính, doanh số thị trường bất động sản Trung Quốc tính đến năm 2024 có thể đạt 4,1 nghìn tỷ USD.
AB
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp