Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, nhiều đại biểu không đồng thuận với đề xuất này.
"KHIÊN CƯỠNG VÀ ÁP ĐẶT NẾU TÁCH LUẬT"
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là "khiên cưỡng và áp đặt, không có cơ sở khách quan, khoa học, không thuyết phục".
Đại biểu cho rằng bảo đảm an toàn giao thông là mục tiêu rất quan trọng của hoạt động giao thông đường bộ. Và mức độ an toàn giao thông đều phụ thuộc và chịu tác động của 4 thành tố về "kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông và quy tắc giao thông", chứ không riêng gì thành tố nào.
"Nếu trong trường hợp cả 2 bộ cùng tham gia quản lý theo cách mà dự án quy định là tách bạch lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khi có vụ việc xảy ra mà lý do từ các thành tố tổng hợp thì ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm? Chắc chắn là không ai cả", đại biểu Thắng nhận xét.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic trong hệ thống luật giao thông.
"Nói rộng ra, việc này phá vỡ những quy chuẩn nền tảng thống nhất của cả hệ thống pháp luật và sẽ tạo ra một tiền đề hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật theo kiểu tùy nghi sau này", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) cũng cho rằng việc tách hai luật còn tồn tại nhiều vấn đề chưa phù hợp. Ông cho rằng nên thực hiện một nội dung là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ôm trùm luôn cả 2 luật này thì sẽ phù hợp hơn.
Đại biểu nhận định việc tách thành 2 bộ luật sẽ làm gia tăng thủ tục hành chính và bộ máy liên quan tới vận hành 2 bộ luật này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đại biểu Trọng đề nghị nên dành thời gian nghiên cứu xây dựng một dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chung, bao trùm tất cả những nội dung này.
Còn đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng "có những cây không thể tách được". Bởi vì khi tách ra mà có sự trùng lặp lẫn nhau thì việc tổ chức thực hiện trong thực tiến sẽ rất phức tạp và khó khăn.
Đại biểu Xuyền cũng đặt vấn đề về chi phí cho công tác tổ chức triển khai thi hành luật. Bởi vì khi cùng lúc phải triển khai hai đạo luật song song cũng như phối hợp thực hiện giữa các ngành sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội dành việc xem xét tách luật cho Quốc hội khóa XV, bởi vì cần đánh giá kỹ lưỡng trong khi thời gian không còn nhiều.
NHIỀU BẤT CẬP, LÃNG PHÍ NẾU CHUYỂN THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng không đồng tình với đề xuất chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng việc này chưa thuyết phục bởi nhiều lý do. Thứ nhất là hiện tại ngành giao thông vận tải về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhiệm vụ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép mô tô, ô tô. Thứ hai, ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, cho nên cần phải chuyển thẩm quyền này sang Bộ Công an là chưa thuyết phục. Bởi vì theo thống kê, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông gây ra và có đến 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7 đến 10 năm.
Đại biểu Sinh cũng đặt vấn đề về việc khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức ngành giao thông vận tải đang đảm nhiệm công tác sát hạch, đào tạo lái xe sẽ đi về đâu? Trong khi đó, Bộ Công an lại phải bổ sung thêm lực lượng để tiếp nhận công việc mới.
Ngoài ra, toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành công an tiếp tục cần phải đầu tư trang thiết bị bổ sung sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc sửa luật phải đảm bảo hệ thống giao thông Việt Nam, trách nhiệm quản lý của các bộ ngành; đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh các nội dung về giao thông đường bộ cũng như vấn đề sát hạch giấy phép lái xe cũng sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong chiều 16/11 trước khi xem xét lại các dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan thẩm tra, soạn thảo dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung trước khi Quốc hội tiếp tục xem xét.