Tính đến hết tháng 10.2020, cả nước xảy ra 17 vụ cháy lớn trong các khu công nghiệp, nổi lên là địa bàn TPHCM, Long An. Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, phần lớn nguyên nhân cháy là do chập điện, có thể chập hệ thống điện hoặc chập ở thiết bị sản xuất.
Diễn biến cháy phức tạp
Theo đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (CS PCCC&CNCH), Bộ Công an, đến cuối năm 2019, cả nước có 336 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động. Các KCN hoạt động đa dạng loại hình sản xuất: Hoá chất, may mặc, chế biến gỗ… Các KCN này tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Nam, Long An.
Thời gian qua, tình hình diễn biến đám cháy ở các nơi này khá phức tạp. Theo thống kê từ đầu năm 2019 đến hết tháng 10.2020, toàn quốc xảy ra gần 200 vụ cháy ở các loại hình cơ sở sản xuất, các kho chế biến. Các vụ cháy lớn trong các KCN là 17 vụ, nổi cộm là địa bàn TPHCM, Long An.
Thiệt hại về vật chất trong 11 vụ cháy lớn này (6/17 vụ đang thống kê theo dõi) xấp xỉ 600 tỉ đồng. Nếu thống kê cả 6 vụ còn lại thì thiệt hại không dưới 800 tỉ đồng, thậm chí lên tới hàng nghìn tỉ đồng, chiếm 70% tổng số thiệt hại các vụ cháy của toàn quốc. Trong các vụ cháy lớn kể trên, thiệt hại về người xảy ra ở vụ cháy tại Công ty TNHH Song Ngân - KCN Phú Thị (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) khiến 3 người tử vong.
Đại tá Khương cho biết, nguyên nhân các vụ cháy, theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, phần lớn là do chập điện. Có thể chập điện trên hệ thống điện, có thể chập điện ở thiết bị sản xuất. “Việc chập điện này là nguyên nhân khách quan, song nó cũng xuất phát từ ý thức của con người, từ thiết kế hệ thống, vận hành hệ thống” - ông Nguyễn Minh Khương nói.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp
Đại tá Khương cho rằng, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy là đặc biệt quan trọng. Việc tự kiểm tra giúp cơ sở nhận thấy những thiếu sót còn tồn tại và có biện pháp khắc phục. Khi cơ sở báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC, lực lượng PCCC có biện pháp, giải pháp để hướng dẫn khắc phục.
Đến nay, Cục Cảnh sát PCCC đã ban hành ra tài liệu hướng dẫn việc thực hiện công tác PCCC đối với các cơ sở hoá chất. Trong các KCN, có những cơ sở hoá chất rất lớn và gần như cơ sở nào cũng sử dụng hoá chất (như cơ sở dệt may, chế biến gỗ, giày da…). Khi cháy nổ, hoá chất không chỉ gây nguy hiểm đển tính mạng con người mà còn cả môi trường, nguồn nước, không khí. Chính vì vậy, Cục Cảnh sát PCCC đã có những chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát PCCC địa phương cũng như hướng dẫn đến các cơ quan doanh nghiệp trong các KCN nhằm đảm bảo an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt các thiết kế và nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở, trong đó có các KCN. Ở các KCN, lực lượng chức năng chấn chỉnh việc thẩm định, nghiệm thu với các thiết bị, khoang ngăn cháy, khung… Cục cũng nâng cao chất lượng công tác nghiệm thu kiểm định phương tiện PCCC, chỉ đạo quyết liệt về kiểm định chặt chẽ chất lượng phương tiện, thiết bị về phòng cháy khi đưa vào công trình.
Thời gian tới, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC. Các cơ sở vi phạm về PCCC sẽ bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, cộng đồng biết, để cùng giám sát phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC. Kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở có vi phạm nghiêm trọng về PCCC mà có thể dẫn đến nguy cơ chết người, thiệt hại về tài sản.
Lực lượng cảnh sát PCCC sẽ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó có việc cảnh báo cháy sớm, giúp cho phát hiện cháy sớm để cảnh báo đến người dân, người chủ cơ sở, lực lượng cảnh sát PCCC.
Xem thêm: odl.099458-neid-pahc-od-al-nol-nahp-yahc-nahn-neyugn/et-hnik/nv.gnodoal