Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 - 3%
Đây là nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 vừa được Chính phủ ban hành.
KHÔNG HẠ CHUẨN TÍN DỤNG
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế; chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạ chuẩn tín dụng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG HÀNG HÓA CUỐI NĂM
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; tăng cường thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành theo kế hoạch đề ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đối với hoạt động dự báo khí tượng thủy văn tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách như quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.81982348071110202-3-52-ut-man-ac-gnourt-gnat-uad-nahp-uhp-hnihc/nv.ymonocenv