Đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) sáng hôm qua (16-11), đã bày tỏ những “uẩn ức” của mình về công tác lập pháp khi phát biểu về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Đánh giá sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008, hạ tầng giao thông có nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng ĐB Khánh cũng nói rằng một phần hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống đường còn hạn chế và tình trạng người dân vì hạ tầng khó khăn nên nhiều khi “tùy nghi di tản”, không thể có được một sự quản lý một cách đồng bộ.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói dù có thể "một số đồng chí không thích, thậm chí là sẽ phê bình" nhưng bà vẫn bày tỏ ý kiến của mình. Ảnh: QH
Dẫn tờ trình của dự thảo luật nói còn tồn tại, yếu kém, vi phạm… ĐB Khánh đề nghị Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần phải kiểm điểm trách nhiệm đối với từng địa phương, đối với những người lãnh đạo ở từng cấp, từng ngành trong công tác của mình đã để ra xảy ra những vấn đề vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở tất cả các lĩnh vực.
Đề cập đến việc tách Luật GTĐB thành hai luật, trong đó có Luật Bảo đảm an toàn, trật tự GTĐB, ĐB Khánh bày tỏ: “Tôi là người nói cuối cùng, tôi cảm thấy đây là một kỷ niệm lịch sử. Lần đầu tiên chỉ có một ĐB ủng hộ Chính phủ, còn tất cả các đại biểu đều phản ánh một tâm trạng hết sức bức xúc, đây là vấn đề ý kiến của nhân dân”.
Lúc ĐB Khánh phát biểu ý kiến thì mới chỉ có ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng ý với việc tách Luật GTĐB thành hai luật nhưng kiến nghị phải “nghiên cứu kỹ, đảm bảo sự đồng bộ”.
ĐB Khánh nói: “Người đứng đầu Chính phủ và những đồng chí có trách nhiệm cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản luật này có tình trạng nể nang, né tránh, không thể hiện hết quyền lực của mình trong vấn đề trình ra Quốc hội một dự thảo như thế”.
Rồi bà nói tiếp: “Đến khâu Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại thấy rõ ràng ở đây các đồng chí cũng chưa thể hiện hết quyền lực của Ủy ban mà lại đưa vấn đề khó khăn này ra cho Quốc hội và kết cục là chỉ có một người đồng ý, còn lại tất cả đều thể hiện việc băn khoăn, bức xúc”.
ĐB Khánh đề nghị phải kiểm điểm trách nhiệm vì việc này đã “làm mất thời gian của Quốc hội”. ĐB Khánh lý giải, lẽ ra các ĐB sẽ tập trung nghiên cứu sâu sắc về GTĐB để đóng góp cho vào luật nhưng lại phân tâm quá về luật kia (Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB - PV).
“Chúng tôi không thể không phản ánh ở đây, mặc dù có thể chúng tôi nói ra có một số đồng chí không thích mà sẽ có thể phê bình là đằng khác. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm chúng tôi phải phản ánh với Quốc hội để các đồng chí rút kinh nghiệm trong việc trình ra Quốc hội những vấn đề dự thảo phản ánh được đúng tâm trạng và nguyện vọng của nhân dân chứ không phải như này rồi mất thời gian quá” - ĐB Khánh nói.
Về vấn đề tách luật, ĐB Khánh đề nghị sáp nhập hai dự luật lại thành Bộ luật GTĐB và bà tin rằng “phải đến 99% nhân dân sẽ ủng hộ”. ĐB Khánh cũng nói trách nhiệm của ngành giao thông hay công an cần phải được xem xét một cách xác đáng, khắc phục những khiếm khuyết như thời gian qua.
Trong ngày 16-11, có 46 ý kiến ĐBQH phát biểu thảo luận về dự thảo Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Đa số các ý kiến đều không đồng tình tách Luật GTĐB thành hai luật và cũng không đồng ý chuyển công tác cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT về cho Bộ Công an quản lý.
Tuy vậy, sáng 16-11, tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lại nói: “Chúng tôi rất mong Quốc hội xem xét, bởi vì nội dung của hai luật hiện nay tương đối đầy đủ và cũng được bóc tách từ Luật GTĐB cũ. Do đó những phần mới sáng nay và chiều nay hoàn toàn nằm trong phần chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, cũng rất mong kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV chúng ta ban hành luật”.