Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã tham khảo ý kiến của các cố vấn hàng đầu về các lựa chọn tiềm năng cho một cuộc tấn công quân sự vào cơ sở hạt nhân chính của Iran, tờ The New York Times đưa tin ngày 16-11.
Các cố vấn cấp cao cuối cùng đã cảnh báo Tổng thống Trump không theo đuổi cuộc tấn công, cho rằng một động thái như vậy có thể gây ra một cuộc xung đột lớn hơn trong thời gian ngắn còn lại của ông tại Nhà Trắng, bốn quan chức hiện tại và cựu quan chức nói với tờ báo.
Mặc dù ông Trump từ chối chấp nhận kết quả và nhượng bộ, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã được các hãng truyền thông lớn xướng danh là người đánh bại ông Trump - ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: BUSINESS INSIDER/GETTY IMAGES
Trong số những người thuyết phục ông Trump không tấn công Iran có Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - Tướng Mark A. Milley.
Ông Nader Hashemi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại ĐH Denver (Mỹ), nói với trang tin Business Insider: “Rất may, những cái đầu lạnh hơn đã thắng thế. Một cuộc tấn công quân sự vào Iran sẽ gây mất ổn định sâu sắc cho một Trung Đông vốn đã bất ổn, với các hiệu ứng gợn sóng khắp khu vực, đặc biệt là ở Iraq và Lebanon”.
Hơn nữa, theo ông Hashemi, Iran còn rất xa mới có đủ uranium làm giàu để chế tạo bom. “Không có mối đe dọa nào sắp xảy ra có thể dẫn đến một cuộc tấn công quân sự” – chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Business Insider.
Cuộc họp tại Phòng Bầu dục được đưa tin là đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, và một ngày sau khi các thanh sát viên quốc tế báo cáo về một sự gia tăng đáng kể trong kho dự trữ uranium của Iran.
Kho dự trữ uranium cấp thấp của nước Cộng hòa Hồi giáo hiện gấp hơn 12 lần giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với sáu cường quốc, bao gồm Mỹ, hồi năm 2015. Chính quyền của Tổng thống Trump đã gây tranh cãi khi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, có tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), hồi tháng 5-2018.
Quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận được ký kết thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã nhanh chóng làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Tehran, trở thành chất xúc tác cho một loạt vụ va chạm ở Vịnh Ba Tư.
Hành động gây tranh cãi của ông Trump càng trở nên nghiêm trọng vào đầu năm 2020 sau khi Tổng thống thứ 45 của Mỹ ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái giết chết Tướng Qassem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - khi ông này đang ở Iraq.
Cuộc tấn công nhằm vào Tướng Soleimani đã đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực chiến tranh. Iran đã trả đũa bằng một loạt cuộc tấn công tên lửa vào lực lượng Mỹ ở Iraq khiến hàng chục người bị thương nặng.
Mỹ và Iran đã tránh được một cuộc xung đột rộng lớn hơn do hậu quả của vụ tấn công hạ sát ông Soleimani, nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao. Cuộc tấn công này cũng khiến Iran từ bỏ hoàn toàn JCPOA hồi năm 2015.
“Lý do duy nhất khiến Iran không muốn leo thang ngoài các cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào thời điểm đó chính là vì họ sợ Mỹ sẽ leo thang hơn nữa bằng cách tấn công vào bên trong nước này” - ông Hassan Hassan, giám đốc phụ trách nghiên cứu các thực thể phi nhà nước và địa chính trị tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu (Mỹ), nói với Business Insider.
“Nếu Mỹ tấn công vào bên trong lãnh thổ Iran và nhằm vào các cơ sở hạt nhân, thì (Iran sẽ) bắt đầu chiến đấu” – ông nói.