"Nhiều đồng nghiệp thường trêu vợ chồng tôi rằng một thế hệ làm nhà giáo đã nghèo xơ nghèo xác rồi, gia đình tôi có đến ba thế hệ cùng làm nhà giáo thì sao chịu nổi" - cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, giáo viên môn hóa, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Nếp nhà giáo
Cô Hằng trải lòng: "Ba mẹ tôi trước đây là giáo viên Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5. Ông bà có bảy người con thì cả ba cô con gái đều theo nghề giáo, trong đó có tôi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tôi đã yêu một anh sinh viên cùng khoa. Người ấy là ông xã tôi bây giờ (thầy Trần Quang Vinh, tổ phó tổ hóa, Trường THPT Hùng Vương - PV). Sau này, con gái tôi cũng tiếp bước truyền thống gia đình, cháu đã tốt nghiệp đại học và trở thành giáo viên dạy vật lý (cô Trần Ngọc Minh Vy - PV) ở Trường THPT Hùng Vương 4 năm nay".
Chúng tôi đến thăm nhà thầy Vinh - cô Hằng vào một buổi tối đầu tháng 11-2020. Ngôi nhà nhỏ nằm trên con đường Bà Lài, quận 6, đầy ắp tiếng cười, tiếng bi bô của trẻ em, thì ra thầy cô đã lên chức ông bà ngoại. "Bà xã tôi đã có quyết định nghỉ hưu cách đây mấy tháng nhưng hiện vẫn đi dạy với chế độ thỉnh giảng. Bà xã còn khỏe, còn yêu nghề, còn muốn gặp gỡ học sinh thì cứ tiếp tục đến trường chứ chúng tôi đã đứng lớp hơn 30 năm rồi, đến tuổi này cũng không còn áp lực về kinh tế nữa" - thầy Vinh chia sẻ.
Cả ba và mẹ cùng là giáo viên nên thầy Vinh luôn định hướng để hai người con theo ngành sư phạm. "Nhưng tôi mới thành công một nửa. Đứa con gái lớn thì đã yên ấm, hạnh phúc với vai trò là một cô giáo. Còn con trai tôi thì nó bảo: "Tính con nóng nảy lắm, đi dạy mà không kiềm chế được, có hành động không đúng với học trò thì trước sau gì cũng bị kỷ luật". Tôi đành chiều theo ý con, cho nó theo ngành dược" - thầy Vinh tâm sự.
"Thường các bậc phụ huynh ngày nay hay khuyên con cái chọn những nghề thời thượng, dễ kiếm tiền, sau này sẽ tạo dựng một cuộc sống sung túc, nhàn hạ. Còn thầy thì...?" - tôi hỏi.
Nghe đến đây, thầy Vinh phá lên cười, nụ cười sảng khoái và viên mãn: "Nhà giáo mà có khả năng thì đâu có nghèo. Như gia đình tôi bây giờ, giàu thì không giàu nhưng chắc chắn không nghèo. Nhà giáo có niềm hạnh phúc riêng mà có thể những nghề khác không có. Học sinh cũ của tôi ngày xưa bây giờ thành đạt nhiều lắm, các em ấy có chức tước, có địa vị cao trong xã hội, bận rộn nhưng ngày lễ, tết vẫn đến thăm thầy, một mực cung kính với thầy. Nhiều em còn mang ôtô đến chở thầy đi chỗ này, chỗ kia thăm thú cho biết...".
Thầy Vinh kể: "Ba mẹ tôi tuy không làm việc trong ngành giáo dục nhưng ông bà có 3/5 đứa con theo nghề giáo. Tính ra, bên nội bên ngoại đều có rất nhiều người làm thầy cô. Thế nên, chúng tôi có nếp nhà đầm ấm, hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng, cuộc sống ổn định. Do vậy, tôi luôn mơ ước con cháu mình cũng sẽ tiếp nối truyền thống ấy".
Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng dạy môn hóa cho học sinh lớp 11A8 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Và những trăn trở
"Học sinh bây giờ khác học sinh ngày xưa nhiều lắm. Các em được dùng điện thoại thông minh thoải mái, nhiều em bị cuốn hút bởi game online, bởi mạng xã hội, YouTube... nên lơ là việc học. Mình quan tâm, hỏi han và săn sóc, nhưng nếu không khéo sẽ bị các em cho là cô theo dõi con, cô vi phạm quyền riêng tư của con ..." - cô Hằng tỏ ra tâm tư. Cả gia đình cô đều cho rằng giáo viên ngày nay chịu áp lực hơn so với trước kia rất nhiều, nhất là áp lực giáo dục học sinh trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay.
Thầy Vinh còn kể: "Không những thế, có em còn nói với tôi rằng: "Con đâu cần học làm chi, nhiều người tốt nghiệp đại học ra mà lương tháng có 4 triệu đồng. Con không cần làm gì thì mỗi tháng mẹ con cũng cho 6 triệu đồng tiêu xài rồi. Nhà con giàu lắm...". Để thuyết phục những em như vậy có động lực học tập, động lực phấn đấu không phải dễ...".
Thầy Vinh tạm biệt chúng tôi với nụ cười giòn tan, đầy nhiệt huyết.
Tiết dạy môn hóa của thầy Trần Quang Vinh cùng học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đã từng nghĩ bỏ nghề
"Tôi tốt nghiệp khoa hóa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1988 và được phân công giảng dạy, đồng thời làm trợ lý thanh niên tại Trường THPT Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Trường Lê Minh Xuân thời ấy nằm trong khu kinh tế mới, mọi thứ đều thiếu thốn và khó khăn. Mỗi ngày, tôi đạp xe đạp hơn 15km trên đường đầy những ổ gà, ổ voi - trời mưa thì trơn trượt, trời nắng thì bụi mịt mù từ nội thành ra ngoại thành dạy học với mức lương chỉ đủ ăn sáng. Học sinh thì quá khó khăn, tôi mở lớp dạy phụ đạo cho các em, không thu phí nhưng có em còn không đi học đều được vì còn bận đi kiếm sống.
Tôi tự hỏi đến việc ăn uống, sinh hoạt mà tôi còn phải nhờ ba mẹ trợ cấp thì khi lấy vợ, sinh con sẽ sống như thế nào? Rồi tôi manh nha nghĩ chuyển nghề. Cũng rất may, khi học sinh của tôi biết được điều đó, nhiều em đã đến gặp tôi: "Thầy đừng bỏ tụi con". Câu nói ấy đã giữ tôi ở lại với nghề cho đến bây giờ".
Thầy Trần Quang Vinh
Áp lực quá nhiều
"Hiện tôi hài lòng với cuộc sống của một giáo viên, tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi mình mới đi dạy đã được nhà trường giao làm công tác chủ nhiệm, mặc dù mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Nhưng thực sự, giáo viên bây giờ chịu áp lực nhiều quá, trong đó áp lực lớn nhất là yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy. Chưa kể, học sinh bây giờ bị cuốn hút bởi nhiều thứ bên ngoài nên người giáo viên phải nỗ lực gấp nhiều lần để "kéo" các em về với trường, với lớp, với nhiệm vụ học tập và rèn luyện nhân cách để trở thành một người có ích sau này".
Cô Trần Ngọc Minh Vy
Hai người thầy ấy được gọi là "ông thầy sáng tạo" vì luôn mày mò cách thức mới để bài giảng của mình cuốn hút hơn, giúp học trò khám phá kiến thức dễ dàng hơn.
Kỳ tới: Những "ông thầy" sáng tạo
TTO - Đại dịch COVID-19 không thể đánh bại tâm huyết, lòng yêu nghề và tình thương học trò của các giáo viên ở Indonesia.
Xem thêm: mth.55303331261110202-oaig-ahn-mal-gnuc-eh-eht-ab-1-yk-coh-yad-ehgn-uey/nv.ertiout