Được biết, tất cả các đường dây trên đều có chung thủ đoạn là dùng giấy tờ giả hoặc thuê người thành lập nhiều doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn lòng vòng qua nhiều tỉnh để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước. Tuy nhiên, việc phát hiện và bắt giữ lại gặp không ít khó khăn đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Liên tiếp 2 vụ mua bán hóa đơn khống với giá trị cực lớn bị phát hiện tại Phú Thọ và Hải Phòng. Theo hồ sơ của cơ quan công an, đối tượng Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Phát đã thành lập 13 công ty, nhưng không sản xuất kinh doanh mà chỉ thực hiện mua bán hóa đơn khống với giá trị trên 5.000 tỷ đồng, để chiếm đoạt tiền thuế giá trị giao thông. Đây là một ví dụ điển hình về cơ chế doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế và việc cắt giảm thủ tục hành chính về thuế đã bị một số doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi bất chính.
Tất cả các đường dây mua bán trái phép hóa đơn đều có chung thủ đoạn là dùng giấy tờ giả hoặc thuê người thành lập nhiều doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn lòng vòng qua nhiều, tỉnh để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
"Các doanh nghiệp này không cần phải kê khai với cơ quan thuế về doanh thu, doanh nghiệp không cần kê khai chi tiết hàng hóa mua vào, bán ra khiến các cơ quan chức năng không quản lý được việc liên quan đến tới các doanh nghiệp này hoạt động thế nào", Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đội trưởng Đội 6, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hải Phòng, nhận định.
Do thủ tục thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng nên nhiều đối tượng thành lập bằng giấy tờ giả để phục vụ việc mua bán hóa đơn khống. Vì vậy cơ quan chức năng khó có thể truy tìm được đối tượng phạm tội. Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ còn phát hiện thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả và cấu kết với nhân viên ngân hàng thương mại để thanh toán ảo trên tài khoản của các công ty ma nhằm hợp thức hóa việc mua bán hóa đơn khống.
"Ngành ngân hàng quản lý thanh toán tiền qua ngân hàng phải có quy định hết sức cụ thể nhằm tránh không để đối tượng sử dụng giấy tờ giả để thành lập các tài khoản ngân hàng", Thượng tá Bùi Quang Khoa, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Phú Thọ, nhận định.
Do thủ tục thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng nên nhiều đối tượng thành lập bằng giấy tờ giả để phục vụ việc mua bán hóa đơn khống. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, ngành thuế đang triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại Hà Nội, TP.HCM và đang gấp rút chuẩn bị mở rộng trên toàn quốc.
Khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, tình trạng này tạm lắng xuống nhưng sau đó lại nổi lên với thủ đoạn ngày càng tinh vi và quy mô lớn hơn. Do vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử đang được ngành thuế kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu để hạn chế nạn mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
VTV.vn - Thời gian qua, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế vẫn có chiều hướng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!