Ngày 17-11, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong mùa bão lụt kéo dài tại các tỉnh Miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại BV này tăng đột biến với 28 ca trong chỉ hơn một tháng rưỡi.
Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại BV Trung ương Huế.
Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị..., 50% còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).
Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương (Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, có nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng...điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán mắc Whitmore. Từ tháng 1-2020 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân.
Tuy nhiên, từ tháng 10-2020 đến giữa tháng 11-2020, chỉ trong một tháng rưởi đã có 28 bệnh nhân.
Bà Hương cho biết, sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường. Người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn.
Vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết.
Bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra.
Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trên các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.