Chiều ngày 17-11, Quốc hội đã có kết quả việc xin ý kiến ĐBQH về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, 393 ĐBQH cho ý kiến về vấn đề này. Trong số này, có 290 ĐBQH cho rằng dự luật này không cần thiết ban hành. Kể cả phương án xin ý kiến để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự luật cũng có 206 ĐBQH không đồng ý (chiếm 52,42% số ĐBQH tham gia ý kiến).
Việc lấy ý kiến này được thực hiện ngay sau phiên thảo luận về dự luật này sáng nay, 17-11 và kết thúc lúc 15g00.
Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo luật này tại Hội trường, nhiều ĐBQH đã bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết của dự luật.
Các băn khoăn chủ yếu về việc phình to bộ máy, số lượng công an hiện đã quá nhiều và chi phí cho bộ máy này liệu có “ngốn” ngân sách Trung ương và địa phương hay không. Với các địa phương nghèo thì lấy đâu ra chi phí để lo cho lực lượng này.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) còn nói: “Chúng ta thấy là dân chúng ta không đến mức độ là ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật mà chúng ta bố trí lực lượng lớn như thế này trong khi đó chúng ta phải đầu tư cho phát triển, giáo dục đào tạo, cho an sinh xã hội rất lớn”.
ĐB Phạm Văn Hòa vốn là một sỹ quan công an. Ông nói khi phản biện các dự luật do Bộ Công an soạn thảo, ông cũng thấy xót xa. Ảnh: QH
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ: “Tôi xuất thân từ sĩ quan công an, mà từ hôm qua đến hôm nay tôi lại phản biện lại luật của Bộ Công an trình, tôi cảm thấy rất nao nao. Lúc ra ngoài hội trường, một số đại biểu nói là anh xuất thân từ lực lượng công an không bảo vệ mà lại phản biện, tôi cũng thấy xót xa”.
Tuy vậy, với dự luật này, ĐB Hòa nói vì ông sống ở cơ sở, nên ông “cũng biết ít nhiều” nên ông phản biện. ĐB Hòa cho rằng: dự kiến ban hành luật này là quá vội vàng, chưa đánh giá tác động ở cơ sở cụ thể. Lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như tờ trình của Chính phủ. Số liệu trong tờ trình của Ban soạn thảo đưa ra tôi cho rằng chưa phù hợp.
“Cho nên muốn nói ở đây bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng (Bộ Công an-PV) là chưa chuẩn xác”, ĐB Hòa nêu.
Trước đó, ĐBQH cũng bày tỏ chính kiến khi đa số không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ và chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an.