Chiều nay 17/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14, trong đó nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Nghị quyết yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.
Đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Nghị quyết yêu cầu cần tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Báo cáo tiếp thu giải trình về dự thảo nghị quyết trước khi đại biểu bấm nút, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ không trình Quốc hội một đề án riêng mà chỉ báo cáo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó đề xuất 2 giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 .
Có ý kiến đại biểu đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo tình hình thực tế. Do vậy, không ghi cụ thể vào nghị quyết.
Trước đó, theo kiến nghị của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng trong ba năm lãi suất ưu đãi. Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn đối với phần còn lại 8.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước có thể giao một đơn vị mua cổ phần này, có thể là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước - SCIC.
Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid -19 lên ngành hàng không toàn cầu, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines sa sút, các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính đều giảm mạnh. Luỹ kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lên đến 10.504 tỷ đồng.
Ngoài công ty mẹ, Vietnam Airlines lỗ còn do trong quý 3 vừa qua các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vacs, Skypec, Viags…
Nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines cũng dần suy yếu. Trong đó, nguồn tiền giảm mạnh từ 1.743 tỷ đồng từ đầu năm xuống chỉ còn 802 tỷ đồng tính đến ngày 30/9. Tổng tài sản giảm từ 76.454 tỷ đồng xuống còn 62.370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 18.607 tỷ đồng xuống còn 6.610 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến 30/9 là 55.759 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.
Dòng tiền kinh doanh Vietnam Airlines hiện đang âm 6.269 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 7.874 tỷ đồng.
Tại cuộc gặp với SCIC gần đây, lãnh đạo Vietnam Airlines thừa nhận, năm 2021 sẽ tiếp tục lỗ nặng, mỗi ngày Covid 19 thổi “bay” 60 tỷ đồng nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi.
Xem thêm: mth.39102607171110202-senilria-manteiv-uuc-y-gnod-ioh-couq/nv.ymonocenv