Quốc hội cho phép tái cấp vốn và bán cổ phần cứu Vietnam Airlines
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Trong Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã nhất trí với Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để cứu hãng hàng không quốc gia với vai trò cổ đông Nhà nước.
Quốc hội cho phép thực hiện những giải pháp cứu Vietnam Airlines như tái cấp vốn và chào bán thêm cổ phần cho cổ đông Nhà nước. Ảnh: TTXVN |
Chiều 17-11, tại ngày họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết toàn kỳ họp với 11 điều, trong đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Theo đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ và cho phép:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Nhà nước) để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại đây theo quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Quốc hội đồng thời yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Và Vietnam Airlines phải tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Như vậy, sau khoảng thời gian hơn 8 tháng dịch bệnh Covid 19 tàn phá nặng nề ngành hàng không toàn cầu, trong đó có ngành hàng không Việt Nam, Quốc hội chính thức chấp thuận việc có giải pháp thiết thực tháo gỡ cho Vietnam Airlines với 86% số cổ phần của Nhà nước nắm giữ hay không.
Trước đó, trong nhiều văn bản kêu cứu gửi lên Chính phủ và Quốc hội, Vietnam Airlines và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (CMSC ) đã đề nghị tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng cho hãng thông qua các tổ chức tín dụng với lãi suất 0% trong vòng 3 năm. Cơ chế này được thực hiện khi Vietnam Airlines có tài sản thế chấp cho khoản vay và cần thời gian để thực hiện cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện thoái vốn tại một số công ty con... Tuy nhiên, muốn tái cấp vốn thì NHNN phải được Quốc hội cho phép.
Tại văn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17-11 có ghi: việc không ghi rõ 4000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines vay vốn bổ sung phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh là do vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines theo tình hình thực tế.
Việc chỉ định SCIC đầu tư mua cổ phần tại Vietnam Airlines thuộc thẩm quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại hãng, nếu theo quy định thông thường phải áp dụng Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh (Luật 69/2014). Đặc biệt, theo Luật 69 thì Vietnam Airilines là công ty cổ phần không thuộc đối tượng và phạm vi được đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để tiếp tục duy trì cổ phần. Luật 69 cũng không có quy định phương thức chuyển giao quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại công ty cổ phần nên muốn thực hiện được Quốc hội phải cho phép.
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2019, Vietnam Airlines kinh doanh có lãi, tài chính tốt, đã nộp ngân sách gần 45 ngàn tỉ đồng. Do đại dịch Covid 19, hãng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm nay 10.750 tỉ và dự kiến cả năm sẽ lỗ xấp xỉ 15 ngàn tỉ và âm dòng tiền từ 15 ngàn đến 16 ngàn tỉ đồng.
Xem thêm: lmth.senilria-manteiv-uuc-nahp-oc-nab-av-nov-pac-iat-pehp-ohc-ioh-couq/777013/nv.semitnogiaseht.www