Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn
Tại buổi trao đổi, Tuổi Trẻ Online đã hỏi về quan điểm của bộ trưởng khi có những băn khoăn của một số đại biểu, chuyên gia cho rằng quy định về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong luật vừa thông qua là "bước thụt lùi".
* Thưa bộ trưởng, việc công khai Báo cáo ĐTM được thực hiện ra sao khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua?
Điều này các bạn tiếp cận ngay với luật đã nói rất rõ là thông tin gì phải công khai. Và trong đó trách nhiệm của ai phải công khai, công khai bao giờ. Như vậy, đánh giá ĐTM thì luật lần này gắn trách nhiệm cho các chủ thể là doanh nghiệp.
Cơ quan nhà nước thì đưa ra những quy chuẩn, chuẩn mực yêu cầu công tác quản lý đặt ra với dự án. Nên là khi bắt đầu có dự án phát triển, đầu tư, từ khâu xin chủ trương, chuẩn bị tiền khả thi cho đến khi bắt đầu có thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp đồng thời phải làm các báo cáo ĐTM.
Và khi người ta đã làm xong và cho rằng đã thực hiện đúng hướng dẫn của chúng tôi, người ta trình lên cơ quan thẩm quyền là địa phương hoặc là Bộ TN-MT thì bản thân họ phải công khai văn bản đó trên cổng thông tin điện tử của họ. Bộ TN-MT tiếp nhận văn bản thì sẽ tiến hành việc công khai để tham khảo, tham vấn ý kiến trên cổng thông tin điện tử của mình (của bộ - NV).
* Nội dung công khai gồm những thông tin gì, thưa bộ trưởng?
Sẽ công khai cả những thành viên hội đồng, sẽ công khai kết quả thẩm định của hội đồng. Nếu cần thiết sẽ công khai báo cáo ĐTM - những vấn đề mà Bộ thấy cần thiết để tham vấn các chuyên gia, cơ quan nghiên cứu.
Các quy định đó, những quy định trình lên chi tiết cụ thể sẽ do Chính phủ quy định. Còn những quy định trách nhiệm, nội dung thì đã quy định trong luật này.
* Tại cuộc họp với các chuyên gia ngày 5-11, bộ trưởng đã tiếp thu và cho biết dự luật sẽ quy định cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường khi tiếp nhận để thẩm định, đồng thời công khai quyết định phê duyệt báo cáo của cơ quan thẩm định. Thế nhưng bây giờ luật thông qua không có điều này, tại sao vậy thưa bộ trưởng?
Luật quy định ai là người công khai thôi chứ. Còn tại sao sản phẩm của bạn (chủ đầu tư - NV) bạn lại bảo là tôi đi công khai. Bạn phải chịu trách nhiệm về bản đó. Tại vì tôi công khai xong bạn nói bản đó không phải bản cuối cùng.
Bây giờ gắn vào trách nhiệm doanh nghiệp khi đã đưa báo cáo đó lên cho nhà nước thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về công khai đó. Nhà nước thì sẽ công khai hội đồng thẩm định, kết quả thẩm định bao trùm cả ĐTM. Đấy là việc của nhà nước còn nhà nước không đi làm thay việc của doanh nghiệp. Ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
* Vậy nếu giao hết cho doanh nghiệp công khai Báo cáo ĐTM thì bộ trưởng có giải pháp gì tham mưu với Chính phủ để tránh tình trạng có nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận che giấu thông tin quan trọng khi công khai tham vấn chuyên gia, người dân?
Luật quy định rằng doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Trách nhiệm của doanh nghiệp là lập báo cáo.
Trách nhiệm của doanh nghiệp phải theo đúng các hướng dẫn của luật để nhận diện các tác động, xem xét các giải pháp. Và việc đó doanh nghiệp muốn có lợi phải tung báo cáo ra để xin tư vấn. Cái đó là bản thân doanh nghiệp phải làm.
Còn việc doanh nghiệp che giấu làm sao được. Cơ quan nhà nước sẽ công bố toàn bộ kết quả. Thậm chí khi đã thẩm định xong báo cáo, sẽ chuyển ý kiến và công bố cho xã hội biết tác động là thế này, vấn đề là thế này, giải pháp là thế này. Chúng tôi đồng ý thế này, mọi biện pháp thế này. Đưa ra cho xã hội biết hết, chẳng có gì là úp mở hết cả.
TTO – Chiều 17-11, với 443/466 đại biểu có mặt tán thành, dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua dù vẫn còn ý kiến đại biểu và chuyên gia bày tỏ băn khoăn.