Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát. Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu việc bồi đắp và cải tạo thực thể này thành đảo nhân tạo lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau đá Vành Khăn - Ảnh: Bangkokpost
Theo kênh 7news của Úc, trong tuyên bố chung vào tối 16-11, các bộ trưởng cho biết hai quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ về tình hình an ninh trong khu vực, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Hai bên tái khẳng định "quan ngại nghiêm trọng" về việc quân sự hóa các đảo và rạn san hô đang tranh chấp, hành vi "sử dụng một cách nguy hiểm hoặc cưỡng bức" của các tàu tuần duyên và "lực lượng dân quân hàng hải" và nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác.
Tuyên bố có đoạn: "Các bộ trưởng nhắc lại rằng họ phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng chế ở Biển Đông".
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Các bộ trưởng cũng quyết tâm tăng cường liên kết sâu rộng hơn trong một loạt lợi ích quốc phòng và an ninh, bao gồm các cuộc tập trận chung và trao đổi nhân sự, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương khác.
TTO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 14-11 hoan nghênh đóng góp của Mỹ ở Biển Đông, mong muốn Mỹ ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.