vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để hoạt động ở Biển Đông

2020-11-18 06:34

Trong hai ngày 16-11 đến 17-11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề Duy trì Hoà bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo bao gồm tám phiên nội dung và một phiên đặc biệt với các chủ đề: Vấn đề Biển Đông trong tình hình thế giới đầy biến động; Cạnh tranh định hướng công luận về Biển Đông và vai trò của báo chí; Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông… và Phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Căng thẳng trên Biển Đông và mối liên quan COVID-19

Về tình hình Biển Đông trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng tuy khó tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa đại dịch COVID-19 và diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, song COVID -19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi ở Biển Đông.

Một số đại biểu cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình COVID-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước.

Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để hoạt động ở Biển Đông - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh TG&VN

Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi, nhưng gần đây Trung Quốc chủ trương thúc đẩy lập trường quan điểm của nước này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh của chính phủ và người dân ở nhiều nước.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và tự do hàng hải, song nổi bật hơn cả là cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao-pháp lý, phản đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều ý kiến cho rằng lập trường này phản ánh xu hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Chính sách Biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét dưới thời Tổng thống Donald Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn về chiến lược.

Các diễn giả châu Âu khẳng định việc EU quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, học giả Trung Quốc lại cho rằng sự “can thiệp” của các nước châu Âu không phải là nước ven Biển Đông lại có thể khiến tình hình phức tạp hơn.

Các học giả Đông Nam Á cho rằng các nước ASEAN nhìn chung phản ứng kiềm chế để không làm căng thẳng ở Biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19, duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế trong nước.

Nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia vẫn kiên quyết phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên các vùng biển và đại dương.

Có ý kiến cho rằng ASEAN cần tối ưu hoá nguyên tắc đồng thuận, thúc đẩy các cơ chế tiểu đa phương giữa các nước Đông Nam Á chủ chốt, chung chí hướng để hợp tác khu vực hiệu quả hơn.

ASEAN cũng cần phải xây dựng, tăng cường các thiết chế của mình để có thể thúc đẩy hợp tác biển đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang chịu nhiều thách thức trên thế giới.

Cuộc chiến công hàm

Bàn về cuộc tranh luận bằng công hàm tại Liên Hợp Quốc trong vấn đề Biển Đông và tác động tới tương lai của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhiều học giả khẳng định, UNCLOS có giá trị phổ quát và toàn diện, có phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển.

Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016, vốn phản đối các yêu sách vùng biển phi lý của Trung Quốc.

Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc đã trở thành nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, các học giả cũng đánh giá rằng các công hàm, công thư trao đổi ở Liên hợp quốc đã có những đóng góp có giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan; đây là nguồn tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của các bên yêu sách về vấn đề Biển Đông.

Cuộc tranh luận bằng công hàm là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, và công bố công khai với cộng đồng và các nước trên thế giới.

Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong đàm phán COC. Bên cạnh đó, có học giả còn đề xuất như các một số quốc gia cùng ASEAN thể hiện điểm đồng trong nhiều vấn đề pháp lý có thể tiến tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông.

Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để hoạt động ở Biển Đông - ảnh 2
Chuẩn Đô đốc Jurgen Ehle phát biểu trực tuyến từ Brussels (Bỉ). Ảnh TG&VN

Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc gây lo ngại

Một vấn đề nóng bỏng được đề cập đến trong chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc, trong đó có thể có quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách.

Dự luật này đang gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông, Biển Hoa Đông. Bởi khi luật này được thông qua và Trung Quốc thực thi trên biển thì sẽ đe doạ tính mạng, tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Học giả Trung Quốc giải thích rằng đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, nhiều học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á vẫn bày tỏ lo ngại, do Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng cũng như những tiêu chí cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực.

Tuy một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định nhưng dự luật của Trung Quốc gây lo ngại nhiều hơn bởi chính cách hành xử tuỳ tiện của nước này thời gian qua đối với ngư dân và tàu thuyền các nước.

Hội thảo cũng lần đầu tiên dành một phiên đặc biệt cho các Lãnh đạo trẻ nhằm tạo dựng thế hệ kế tiếp quan tâm thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Các học giả tham dự Hội thảo cũng bày tỏ nguyện vọng được gặp mặt trực tiếp tại Việt Nam trong chuỗi Hội thảo Biển Đông sắp tới, khi đại dịch đi qua. 

Xem thêm: lmth.926059-gnod-neib-o-gnod-taoh-ed-91divoc-hcid-gnud-iol-couq-gnurt/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để hoạt động ở Biển Đông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools