Softbank thời gian qua đã liên tục bán tài sản từ cổ phần ở Alibaba đến T-Mobile. Nhờ vậy, tập đoàn Nhật Bản đang nắm trong tay 80 tỷ USD tiền mặt - số tiền mà CEO và chủ tịch Masayoshi Son nói rằng để phòng "trường hợp xấu" khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.
"Tôi nhận thấy nhiều khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đã đầu tư vào nhiều startup... Nhưng tôi sợ rằng, bạn biết đấy, nhiều trong số đó có thể sẽ không tạo ra lợi nhuận", Masayoshi Son thừa nhận trong một hội nghị trực tuyến của New York Times diễn ra vào ngày hôm qua.
"Bản thân Softbank có đủ tiền và tài sản. Tôi nghĩ rằng tiền mặt rất quan trọng trong những cuộc khủng hoảng như thế này để có thể hành động ngay lập tức khi có cơ hội đầu tư mới nổi lên cũng như để bảo vệ tập đoàn", Son nói tiếp.
Mặc dù thông tin về vắc xin phòng Covid-19 gần đây liên tục được đưa ra và những đột phá về thuốc chữa nhưng Son vẫn "bi quan" trong ngắn hạn về đại dịch. "Trong 2, 3 tháng tới, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy bạn biết đấy, chúng tôi chỉ phòng cho viễn cảnh tồi tệ nhất thôi".
Son nói rằng ông đã thiết lập mục tiêu thanh khoản nội bộ cho Softbank ở mức 41 tỷ USD vào đầu năm nay. "Chúng tôi đã vượt mục tiêu", tăng gấp đôi.
Softbank đã huy động được 14 tỷ USD trong năm nay bằng việc cam kết bán 10% cổ phần tại Alibaba và bán lượng cổ phiếu trị giá 20 tỷ USD tại T-Mobile sau thương vụ sáp nhập với Sprint. Tập đoàn của Son cũng đã đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất chip của Mỹ là Nvidia để bán Arm với giá 40 tỷ USD.
Tập đoàn này được biết đến với quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD và những khoản đầu tư mạnh vào các startup công nghệ từ Uber tới Oyo. Tuy nhiên, Son có lý do để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh này.
Sau một loạt thất bại với WeWork, Son cũng đã thừa nhận thất bại của mình với các nhà đầu tư vào tháng 11/2019.
Ông khẳng định bây giờ sẽ "chấp nhận sự ngu ngốc của mình để có thể học nhanh chóng và cố gắng không lặp lại sai lầm giống như thế nữa".
Trong chiến lược mới, Vision Fund sẽ chi tiêu chặt chẽ hơn trong năm nay với hy vọng thu về những khoản lợi nhuận lớn hơn. Softbank cũng đã lặng lẽ mua cổ phần tại nhiều công ty công nghệ Mỹ lớn gồm Amazon và Netflix.
Và mặc dù những thất bại gần đây khiến mọi người nghi ngờ về chiến lược đầu tư của Son trong 300 năm nữa, vị doanh nhân này vẫn đang lạc quan về trí thông minh nhân tạo.
Khi được hỏi về cách ông nhắm tới sử dụng 80 tỷ USD hiện có, Son nói rằng: "Nếu chúng tôi có thể đầu tư vào AI, những công ty đang đi tiên phong trong công nghệ này, nếu chúng tôi có thể đầu tư nhiều hơn vào những cơ hội như vậy, tôi sẽ rất quyết liệt". Nền kinh tế sụt giảm sẽ mang lại cơ hội giá tốt hơn để ông mua vào do các startup đều đang gặp khó trong việc huy động vốn.
"Dĩ nhiên, nếu giá cổ phiếu của chúng tôi giảm, tôi cũng muốn mua lại cổ phiếu Softbank. Tôi luôn là người tin tưởng vào chính công ty của mình".
Vân Đàm
Theo Tổ Quốc/Nikkei