Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: "Ở Việt Nam có gia đình gần như phải đồng nghĩa với chuyện có con. Tất cả gia đình chỉ còn là chuyện đứa con, nếu không có đứa con không tồn tại gia đình" - Ảnh: HOÀNG LỘC
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ HỒ MẠNH TƯỜNG - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, nói: "Hiếm muộn đang là một vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội. Là vấn đề mới nhưng ở nước ta đang bị nhìn nhận bằng một quan niệm cũ.
Tức là không có con được coi là chuyện bất thường, và từ quan niệm 'không có đứa con không tồn tại gia đình' đã vô tình đẩy câu chuyện vốn dĩ nó không có trở thành một bi kịch. Ở nước ngoài, việc có con với họ không thực sự quan trọng như thế".
Mệt mỏi vì "được" hỏi thăm...
* Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn chia sẻ rất sợ bị hỏi thăm…
- Với các cặp vợ chồng mong có con nhưng chưa có được, bản thân họ là người căng thẳng đầu tiên. Nhiều trường hợp hiếm muộn kể với tôi khi đến cơ quan làm việc, họ cứ bị hỏi "sao không có con, có chuyện gì không". Riết họ không dám lên cơ quan hoặc đến mà không dám nói chuyện với ai. Họ dần sống khép kín, hạn chế gặp gỡ và bỗng nhiên bị tách khỏi cộng đồng lúc nào không hay.
Rồi kinh khủng hơn là áp lực từ hàng xóm, bà con dòng họ cứ hỏi "sao hai đứa vẫn chưa có con". Nhiều người không thích lại nói "tại vì tụi nó ăn ở sao đó, cha mẹ ăn ở sao đó"…Ở trong hoàn cảnh đó mới thấu, thê thảm lắm!
* Như vậy việc chưa có con cần được xã hội nhìn nhận là không phải lỗi từ các cặp vợ chồng?
- Đúng thế. Xã hội ngày càng phát triển, việc các cặp vợ chồng khó có con hơn đang trở thành vấn đề phổ biến, không phải lỗi từ ai cả. Xu thế sinh con trễ hơn, dành thời gian cho xã hội nhiều hơn, cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay chính là nguyên nhân ít nhiều ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Như vậy từ quan niệm chuyện có con là bình thường, không có con là ít gặp thì chúng ta nên nhìn nhận không có con (chậm có con) là điều hoàn toàn phổ biến, bất cứ cặp vợ chồng nào cũng có thể gặp phải.
Làm gì để giúp người hiếm muộn?
Gia đình anh chị Nguyễn Văn Niên, Nguyễn Thị Mai Thanh (Bình Dương) hạnh phúc khi có con sau bao năm tìm kiếm - Ảnh: HỮU THUẬN
* Đã có những cặp vợ chồng vượt ra khỏi "bi kịch cuộc đời" để vững bước trên hành trình tìm con của mình…
- Tôi đặc biệt vui mừng trước cái kết của một cặp vợ chồng hiếm muộn tìm con suốt hơn 5 năm trời. Sinh xong, vợ chồng ấy bồng con đến gặp bác sĩ cảm ơn. Họ bảo có một chuyện mừng hơn có con, đó là tết này sẽ cùng nhau đi thăm ông bà, bà con dòng họ, điều mà mấy năm trước họ không dám đi.
Vợ chồng họ rất vui mừng nhưng tôi vô cùng cảm động, bởi biết rằng mình đã làm được một việc có ý nghĩa to lớn cho bệnh nhân.
* Gia đình và xã hội có thể làm gì để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn?
- Tôi nghĩ xã hội cần phải thay đổi rất nhiều để cải thiện cái nhìn với người hiếm muộn. Đặc biệt bản thân các cặp vợ chồng hiếm muộn cần hiểu rằng đó là vấn đề phổ biển, có cái nhìn "mở" hơn. Bởi ước tính trên thế giới có khoảng 100 triệu cặp vợ chồng khó có con; ở Việt Nam có thể 1-2 triệu cặp và cứ khoảng 10 cặp vợ chồng thì có 1-2 cặp khó có con.
Để các cặp vợ chồng hiếm muộn vượt qua áp lực "phải có con bằng mọi giá", theo tôi cách hỗ trợ tốt nhất là "đừng làm gì hết". Có nghĩa là hãy coi việc chưa có con là chuyện bình thường, cứ làm lơ đi đừng "thèm" quan tâm gì cả. Đó là cách hỗ trợ tốt nhất trước khi giúp được một điều gì đó lớn hơn. Có nhiều người quan tâm thái quá, cứ hỏi hoài thành ra gây áp lực lớn hơn.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn thường phải trải qua một quá trình điều trị dài hơi, mất rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc… Do đó ở các nơi làm việc nên có chính sách là tạo điều kiện cho họ được rộng rãi về thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Làm được như thế, tôi tin rằng người hiếm muộn sẽ giảm bớt gánh nặng và việc có con chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi...
Vợ chồng anh Hưng, chị Huệ (Q.12), từng hiếm muộn và may mắn có con sau khi tham gia chương trình ươm mầm hạnh phúc - Ảnh: H.Y
Nên nói gì và không nên nói gì với người hiếm muộn?
Bác sĩ Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức TP.HCM, cho biết không có cách "hành xử" kiểu mẫu, nhưng tinh ý một chút, biết những gì "nên nói" hoặc "không nên nói" cũng có thể là một cách hỗ trợ người hiếm muộn.
- Đừng bao giờ khuyên các cặp vợ chồng mong con "cứ thư giãn, từ từ", bởi càng khiến họ, nhất là người vợ, cảm thấy bản thân không đúng hoặc "có vấn đề".
- Đừng hỏi "sao chưa đi làm thụ tinh trong ống nghiệm", vì điều trị hiếm muộn là một quá trình không hề đơn giản, rất khó khăn, mất thời gian và có thể thất bại. Và quan trọng hơn cần nghĩ đó là chuyện rất đỗi "riêng tư".
- Đừng nói đùa những câu kiểu như "tớ sẽ hiến trứng/tinh trùng", hoặc "anh ấy nhìn vậy mà sao yếu nhỉ?"...
- Đừng than phiền về thai kỳ của bạn: thai nghén, em bé quẫy đạp, hình ảnh em bé qua siêu âm…tất cả những điều đáng yêu đó, đừng đem khoe với người mong con. Ngoài ra, đừng thảo luận chuyện bỉm sữa khi trong nhóm có người hiếm muộn.
- Hãy ủng hộ quyết định của "người trong cuộc": Dù họ kiên quyết điều trị hay bỏ điều trị, dù họ thành công hay chưa, hãy luôn nhấn mạnh rằng bạn tôn trọng và ủng hộ quyết định của họ.
TTO - Đúng ngày này 20 năm trước (30-4-1998), ba bé sơ sinh đầu tiên ở Việt Nam cất tiếng khóc chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Xem thêm: mth.19615219081110202-noc-oc-mahc-noum-meih-iougn-ohc-cul-pa-og/nv.ertiout