Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) có tham vọng hàng tỷ USD đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm tới, để biến đây trở thành trụ cột quan trọng nhất của tập đoàn này.
Nhưng thực tế Trung Nam Group là một tập đoàn đa ngành, ngoài năng lượng, công ty này còn là chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản và nhà thầu có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Công ty mẹ Trung Nam Group năm ngoái ghi nhận doanh thu tăng đột biến gần 6.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng. Điều này có nghĩa cứ 100 đồng doanh thu, công ty chỉ thu lời chưa đến 2 đồng. Nguyên nhận chính do biên lợi nhuận gộp của Trung Nam Group không cao, chỉ từ 6% - 7%.
Trong những năm gần đây với việc đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, các dự án hạ tầng, vốn điều lệ của Trung Nam Group liên tục tăng từ 2.941 tỷ đồng năm 2017 đến 4.250 tỷ đồng cuối năm 2019. Cơ cấu hình thành nên tài sản sử dụng vốn chủ sở hữu và nợ phải trả theo tỷ lệ 1:1.
Xây lắp chính là lĩnh vực sở hữu nguồn doanh thu ấn tượng nhất cho Trung Nam Group, năm ngoái công ty thành viên Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đem về 9.240 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm trước đó. Nhưng cho dù doanh thu "khủng", biên lãi gộp mỏng manh chỉ 0,3% của công ty này khiến lãi ròng chỉ ở mức tượng trưng 2 tỷ đồng. Điều khiến người ta đặt dấu hỏi là, với lợi nhuận gộp chỉ 29 tỷ đồng, làm sao một công ty có quy mô như Trung Nam E&C vẫn có thể lãi?
Trung Nam E&C là nhà thầu chính của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong số này không ít là của chính Trung Nam Group. Lấy ví dụ như tổ hợp dự án ngăn triều cường trên sông tại TP HCM vốn đầu tư 10.000 tỷ sắp sửa đi vào vận hành; các dự án năng lượng tái tạo như điện gió – điện mặt trời – thủy điện; hay cả các dự án bất động sản.
Ngoài việc phục vụ cho hệ sinh thái công ty mẹ, Trung Nam E&C nhận được một số dự án lớn như là nhà thầu thi công hệ thống móng cọc nhồi, kết cấu mố trụ và hệ dây văng thép tại dự án cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng – Quảng Ninh, gói thầu giá trị gần 1.400 tỷ đồng. Công trình được khánh thành đầu tháng 9/2018.
Trung Nam E&C cũng thực hiện Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở (Hà Nội) của chủ đầu tư Tập đoàn Vingroup, dự án mới cho thông xe cách đây ít ngày.
Như vậy, nhiều khả năng việc thực hiện nhiều dự án trong hệ sinh thái là nguyên nhân chính khiến Trung Nam E&C có hiệu quả sinh lời thấp.
Cũng sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Trung Nam Group mà không nói đến bất động sản, lĩnh vực đang được đảm nhiệm bởi CTCP Trung Nam (Trung Nam Land). Công ty này đang phát triển dự án Golden Hills Đà Nẵng quy mô 381 ha, chia làm 5 phân khu.
Cho dù dự án này chưa được hình thành nhưng những chuyển động trong việc huy động vốn của Trung Nam Land trong năm nay khiến cho người ta đặt không ít kỳ vọng.
Đầu tháng 11, Trung Nam Land cho biết đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Trong nửa đầu năm, công ty này cũng thu về 2.000 tỷ đồng cũng từ việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Điều này có nghĩa, Trung Nam Land đã nắm trong tay nguồn tiền mặt đáng kể để có thể thực hiện những kế hoạch của mình.
Trong giai đoạn trước năm 2020, kết quả kinh doanh của Trung Nam Land duy trì ổn định với doanh thu vài trăm tỷ đồng, lợi nhuận vài chục tỷ đồng.
Một đơn vị khác, Trung Nam Đà Lạt Land chủ đầu tư dự án Golf Valley gần 20 ha kinh doanh bất động sản cao cấp. Kết quả kinh doanh của công ty này chủ yếu được ghi nhận trong giai đoạn 2017 – 2018 với tổng doanh thu gần 1.060 tỷ đồng, lãi ròng 151 tỷ.
Như vậy, dù không được đánh giá cao về tính hiệu quả, Trung Nam Group vẫn sở hữu cho mình những nội lực nhất định với các dự án tầm cỡ và đặc biệt phải nói đến là tham vọng làm điện tái tạo. Các dự án điện mặt trời Trung Nam, hay Trung Nam Trà Vinh đã minh chứng ít nhiều là những khoản đầu tư hiệu quả nhất của Trung Nam Group trong nhiều năm trở lại đây.
Đông A
Nhịp sống kinh tế