Thời gian qua, nhiều nhóm “hiệp sĩ” đã tham gia bắt nhiều vụ cướp giật trên đường phố, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không nên nhân rộng mô hình này bởi bắt cướp là nhiệm vụ của lực lượng công an.
“Hiệp sĩ" gặp nhiều hiểm nguy khi bắt cướpChỉ vào vết thương dài từ ngực đến bụng, “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng, Trưởng nhóm săn bắt cướp quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, đây là “vết tích” để lại trong một lần anh bắt cướp và bị đối tượng dùng dao chém và đâm từ ngực đến bụng. May mắn, anh Hoàng được người dân đưa vào bệnh viện điều trị kịp thời, được bác sĩ khâu gần 30 mũi cho vết thương này, nên thoát chết. Mặc dù vết thương đã lành, nhưng hiện anh Hoàng vẫn còn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời và phải đi tái khám thường xuyên.
“Trong gần 20 năm tham gia bắt hơn 500 vụ cướp giật, tôi nhiều lần bị các đối tượng chống trả quyết liệt bằng dao, mã tấu. Có 3 lần bị chém gây thương tích nặng, trong đó lần bị chém và vào bụng vào giữa năm 2018 được xem là nặng nhất với thương tích 68%. Không chỉ riêng tôi, mà các anh em thành viên trong nhóm cũng thường xuyên bị bọn cướp chống trả bằng hung khí gây thương tích…” - anh Hoàng nói về những hiểm nguy rình rập khi truy bắt cướp.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết, anh không thể nhớ hết nổi bao nhiêu lần bị đối tượng cướp chống trả gây thương tích. Bởi theo anh, việc bị đối tượng cướp gây thương tích để thoát thân cũng tương ứng với số lượng hàng trăm vụ cướp anh bắt được trong nhiều năm qua. Theo anh Tiến, các đối tượng đi cướp đều mang theo hung khí và bọn chúng rất liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém, chống trả để tẩu thoát và anh đã nhiều lần thoát chết khi bị bọn chúng tấn công.
Trên thực tế, đã có nhiều “hiệp sĩ” đã tử vong hoặc bị thương tật suốt đời trong lúc truy bắt cướp giật trên đường phố. Điển hình như vụ hai “Hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị băng trộm xe gắn máy SH dùng dao đâm chết trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) vào ngày 13.5.2018 gây phẫn nộ trong dư luận.
Không nên khuyến khích mô hình “hiệp sĩ” bắt cướp
Trong thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai,... đã hình thành nhiều câu lạc bộ hoặc đội nhóm “hiệp sĩ” để truy bắt cướp trên đường phố. Đã có cả nghìn vụ cướp được các nhóm “hiệp sĩ” này bắt được và giao công an xử lý. Việc làm này được nhiều người dân ủng hộ, có ý kiến đề xuất nên nhân rộng mô hình “hiệp sĩ”để góp phần bảo vệ an ninh trật tự cho người dân. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng không nên phát triển mô hình này bởi “hiệp sĩ” bắt cướp sẽ gặp nhiều nguy hiểm, trong khi nhiệm vụ này đang được pháp luật giao cho lực lượng công an và chính quyền đảm nhận.
LS Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, bản thân ông không ủng hộ việc nhân rộng mô hình “hiệp sĩ”đường phố bởi mô hình này đem lại nhiều hiểm nguy cho người dân khi tham gia bắt cướp.
Theo luật sư Hậu, mô hình "hiệp sĩ đường phố" chưa được đề cập rõ trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Pháp luật chỉ cho phép lực lượng công an mới có thẩm quyền điều tra, khám xét và truy bắt các đối tượng phạm tội, trong đó có cướp giật. Đối với người dân cũng như “hiệp sĩ” chỉ có quyền bắt người khi phát hiện phạm tội quả tang, pháp luật không cho phép họ được quyền trực tiếp bắt người, khám người.
"Nhà nước đã xây dựng các lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách có bề dày kinh nghiệm trong việc phòng chống tội phạm như: cảnh sát khu vực, cảnh sát hình sự, đặc nhiệm, dân quân tự vệ, lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát 113,... Còn người dân, "hiệp sĩ" hay lực lượng khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi có điều kiện phù hợp, không nên đặt vai trò của "hiệp sĩ" là có trách nhiệm truy bắt cướp bởi trách nhiệm này là của công an. “Hiệp sĩ” nên tham gia với vai trò cung cấp thông tin, hoặc phối hợp hỗ trợ công an truy bắt tội phạm, tránh tham gia truy bắt một mình vừa gây nguy hiểm cho tính mạng vừa dể xảy ra lạm quyền" - luật sư Hậu nói.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TPHCM cho biết, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm cướp giật trên địa bàn thành phố là do lực lượng cảnh sát hình sự đảm nhận. Vì vậy, Ban Giám đốc Công an TPHCM có chủ trương không tổ chức đại trà các câu lạc bộ “hiệp sĩ” bắt cướp đường phố. Đối với những người có khả năng, điều kiện và tình nguyện tham gia, thì sẽ tạo điều kiện tham gia với tư cách là thành viên trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo lãnh đạo Phòng PC02, để kéo giảm tình trạng cướp giật, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo triển khai các tổ công tác liên ngành (cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự) mật phục kết hợp công khai chốt chặn trên các tuyến giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm. Trong quá trình di chuyển, tội phạm có thể vi phạm giao thông hoặc biểu hiện nghi vấn thì các trinh sát có thể tổ chức kiểm tra hành chính. Trong những đợt kiểm tra như vậy, “hiệp sĩ” và người dân có thể hỗ trợ cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho tổ công tác liên ngành...
Ông Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm không khuyến khích những nhóm tự lập, tự phát nhất là những nhóm về săn bắt cướp, bắt tội phạm… Bởi công việc này rất nguy hiểm, phải là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có tính chính danh mới thực hiện việc bắt tội phạm, thực hiện công việc này. Những người tham gia trong công tác bắt cướp, bắt tội phạm này cần được huấn luyện về nghiệp vụ, được trang bị về điều kiện, phương tiện và có hiểu biết về luật pháp.
“Trong quá trình thực hiện việc đấu tranh đối với tội phạm là cả một vấn đề. Không nên thành lập những nhóm tự phát, nhất là những công việc như săn bắt cướp, bắt tội phạm, đặc biệt là các tội phạm nguy hiểm. Đó là nhiệm vụ, chức trách của lực lượng chức năng, lực lượng công an, cảnh sát…” - ông Xuyền nêu quan điểm.
Về việc huy động người dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, ông Xuyền cho rằng, nên phát huy, vận động người dân tham gia vào việc tố giác, phát hiện tội phạm tới cơ quan chức năng. Người dân tố giác tốt, làm chứng được thì giúp rất nhiều cho lực lượng chức năng điều tra phá án. Đối với những địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp thì cơ quan công an phải tham gia vào việc triệt phá tội phạm.
Xem thêm: odl.662558-hcihk-neyuhk-gnor-nahn-nen-gnohk-ohp-gnoud-pouc-tab-is-peih-hnih-om/taul-pahp/nv.gnodoal