Ngày 18-11, trưng bày chuyên đề Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa đã khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.
Với gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trưng bày cung cấp những tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học.
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được phát hiện năm 1974. Đến nay Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt thám sát và khai quật.
Trải qua hơn ba thập kỷ bị “lãng quên”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã “đánh thức” cụm di tích Bãi Cọi bằng các cuộc khai quật khảo cổ.
Bảo tàng LSQG và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý tại hiện trường khai quật Ảnh: T.L
Năm 2012, trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học nhằm tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại châu Á giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi một lần nữa được các chuyên gia khảo cổ của hai bảo tàng tổ chức khai quật quy mô lớn.
Từ kết quả của 3 lần khai quật này, diện mạo di tích Bãi Cọi dần được hé mở, mang đến những thông tin mới trong việc tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn trong thời sơ sử ở nước ta. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định công nhận di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là di tích quốc gia.
Trong diện tích khoảng 150m2 của phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử quốc gia, gần 150 hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao đã được lựa chọn trưng bày theo 3 phần: Bãi Cọi - Hành trình khám phá; Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa; Hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc.
Kết quả các cuộc khai quật làm sáng tỏ nhiều bí ẩn: Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung Bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn và văn hóa đồ sắt Trung Quốc.
Hiện vật, tài liệu được đưa ra trưng bày phần này là những công cụ đá, bàn mài, gốm đáy nhọn, ảnh khai quật và một số bản đồ, bản vẽ…
“Tổng thể di tích, di vật trong lần khai quật này đã cho thấy rõ hơn tính chất văn hóa Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi. Khu mộ táng này phân bố trên một địa bàn khá rộng, tồn tại từ khoảng 300 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I. Đây là khung niên đại này được cho rằng phù hợp hơn so với nhận định ban đầu trong lần khai quật thứ nhất,"- ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu, Sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết.