“Chỗ nào có bán thì có chơi. Không tin ông cứ tới hỏi, mấy đứa nó sẽ dẫn ông đến từng chỗ mà mua. Không thì tới đó đứng lớ ngớ, kiểu gì cũng có thằng tới hỏi ông có muốn mua “hàng” không” - Thành, một người nghiện, nói.
Nam thanh niên tiếp thị bán ma túy trên cầu bộ hành số 6 - giáp ranh giữa phường 1 và phường 14, quận 8. Ảnh: TÂN - YÊN
Sẵn sàng mua giùm, chỉ nơi “bay, lắc”
Ngày 12-7, chúng tôi lang thang ở khu vực Công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM) thì gặp lại Thành và “bạn mới” tên Lan (tên được thay đổi, làm bảo vệ tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận 1).
Thấy bộ dạng có vẻ “đói thuốc” của chúng tôi, Lan chỉ vào con hẻm thông giữa đường Đỗ Quang Đẩu và Bùi Viện, bảo vào đó mà mua.
Nam thanh niên đứng trên cầu bộ hành số 6 chờ bán ma túy. Ảnh: TÂN - YÊN
Tuy nhiên, khi Thành đi bộ vào khu vực thì quay ra, quệt mồ hôi nói: “Có công an. Sáng giờ nhiều người vào mua nhưng phải trở ra”.
Nhóm bốn người chúng tôi đi tới con hẻm, thấy nhiều người đủ thành phần, lứa tuổi, trang phục chạy tới con hẻm rồi rời đi.
Cả nhóm sau đó lang thang về phía đường Cống Quỳnh. Nhìn bộ dạng có vẻ hơi “vã thuốc” của chúng tôi, Lan nói rằng để mình sắp xếp. Thành và Lan ra một góc trò chuyện, sau đó Lan rời đi. “Nó có mối, phải quen mới mua được. Tôi với nó góp chung. Cái này mua gạo (heroin) thôi. Còn mấy ông chơi “nước” (ma túy đá) thì để lúc khác. Giờ thì không chịu nổi rồi” - Thành nói.
Chừng 20 phút sau, Lan quay lại nói: “Chỗ này vừa “chất” vừa rẻ. Mua được là hên, đợt trước công an bắt mấy trăm bánh, dân nghiện chạy nháo nhào như ong vỡ tổ vì không có hàng”.
Liền đó, cả nhóm tấp vào con hẻm nhỏ trên đường Bùi Viện, Lan pha chế rồi thản nhiên tháo dây nịt quần... Thấy chúng tôi hốt hoảng, Lan trấn an: “Tui làm lẹ, còn quần trong mà mấy ông làm gì ghê vậy?”. Nói xong, Lan ngồi thụp xuống giữa hẻm, tiêm ma túy vào bẹn.
Ông Lan, bảo vệ một cửa hàng tiện lợi ở quận 1, pha chế ma túy trước khi tiêm. Ảnh: TÂN - YÊN
Lan cho hay đã nghiện lâu năm nhưng không ai biết. “Người ta biết mình nghiện sao dám thuê. Lúc đó thì chỉ có làm bậy. Mà sức tui vầy…” - ông ngưng ngang câu nói.
Ông cũng lý giải chỉ chích vào bẹn vì muốn che giấu vết. “Tui làm bảo vệ cho cửa hàng người ta, bảo vệ mà ghiền thì ai dám nhìn” - ông nói.
Còn Thành thì không về nhà, sống lang bạt khắp nơi và chúng tôi không rõ người này xoay tiền bằng cách nào để thỏa cơn nghiện. Bởi như Thành nói, mỗi ngày họ phải tốn khoảng 500.000 đồng để thỏa mãn cơn nghiện.
Giáp mặt bán hàng
Chiều muộn 17-7, một người đàn ông tấp xe máy vội vào lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phạm Ngũ Lão) chích ma túy. Khi ông đang pha chế thì chúng tôi bước tới hỏi: “Chơi hả anh?”. Ông ta cảnh giác: “Chơi gì? Có gì không?”. Khi chúng tôi cho hay là chỉ hỏi thăm thì người này hỏi lại: “Lấy hả”.
Tưởng là chúng tôi đang cần mua ma túy, ông nói: “Muốn lấy thì tui dẫn đi, gần đây... Muốn đá có đá luôn”.
Chúng tôi nói vu vơ sang chuyện khác cũng là lúc người đàn ông này tiêm xong ma túy và hỏi tiếp: “Thế có lấy không?”...
15,36% số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, 1,46% gây bất ổn an ninh trật tự và 7,57% đang chấp hành án. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp dẫn tới “ngáo đá”, dù mới chỉ sử dụng lần đầu nhưng đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và xã hội, theo Bộ Công an. Trong tương tác tội phạm, tệ nạn ma túy và tình hình an ninh trật tự… thì thành tố người nghiện là thành tố trung tâm, chủ lực và nguy hiểm nhất. Năm 2008 và năm 2013 có tỉ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn TP.HCM cao nhất và khi soi lại nguyên nhân thì thấy rằng đây là lúc Nghị quyết 16/2008 về quản lý sau cai nghiện và Luật Xử lý vi phạm hành chính gây tồn đọng, số người nghiện trong cộng đồng không đưa đi cai được thì phạm pháp hình sự ngay lập tức gia tăng. Thiếu tướng PHAN ANH MINH, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, phát biểu ngày 4-10-2019 |
Chiều tối 22-7, chúng tôi ngồi vạ vật ở khu vực cầu bộ hành số 6 (giáp ranh giữa phường 1 và phường 14, quận 8, TP.HCM) thì một nam thanh niên chừng 30 tuổi, tay có xăm hình đi tới hỏi chúng tôi: “Có mua không?”. Khi chúng tôi nói dối là chỉ xài “nước” thì người này nói: “Tui có đá nè, còn “gạo” thì phải nhờ người lấy giùm”.
Chẳng quen biết gì nhưng người này tiếp tục quảng cáo là mua “hàng” xong sẽ chỉ nơi sử dụng rồi lấy ra hai bịch nylon chứa các tinh thể màu trắng tiếp thị. “Ngày mai tui quay lại, nay không có tiền” - chúng tôi nói rồi tìm cách đi khỏi khu vực, bên tai vọng lại nhiều tiếng chửi thề của người này.
Đủ cách xoay tiền để không “vã” thuốc “Mùa dịch, người nghiện kiếm đâu ra tiền, ngày ít nhất cũng gần 5 xị (500.000 đồng), phải xoay thôi” - Thành nói. Thông qua Thành, chúng tôi làm quen với người đàn ông tên Lan. Người này làm bảo vệ tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận 1. Ông cho biết làm lương tháng chừng 5 triệu đồng, không đủ để thỏa mãn cơn nghiện nên phải “tìm cách này nọ”. Cái cách mà ông “này nọ” là “sang tay” xe máy của khách vào uống nước cho các bạn “xã hội”. Theo đó, mỗi xe ông sẽ đút túi khoảng 3-5 triệu đồng. Thấy chúng tôi than quá “vã”, ông nói: “Ví dụ bây giờ em thích chiếc đó đúng không? Em đưa trước tôi 3 triệu rồi dắt đi, còn lại mọi chuyện tôi chịu”. Ông còn chỉ cho chúng tôi cách né camera an ninh ghi hình, cách ông “giải cứu” khi có người phát hiện... Còn ở trước BV Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), người đàn ông khoảng 45 tuổi có cách “này nọ” để có tiền chơi ma túy bằng việc ăn xin. Ở Công viên 23-9, nơi nhiều người nghiện tập trung, một phụ nữ ăn mặc lôi thôi “này nọ” bằng việc bán đồng hồ dỏm với giá gấp đôi... Chúng tôi cũng gặp hai thanh niên làm phụ hồ, nhà ở quận 8, họ cho hay là đã đăng ký uống methadol, từng đi trại nhiều lần nhưng cũng không cai được. “Nếu bỏ được thì gia đình mừng, mình cũng mừng nhưng thực sự rất khó” - họ bộc bạch. |