Với những lo ngại từ gói hỗ trợ lần một về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, việc nghiên cứu xem xét ban hành gói hỗ trợ lần hai theo quan điểm của các chuyên gia là đã cứu trợ thì nên bình đẳng, không ưu tiên cho nhóm đối tượng hay doanh nghiệp nào.
KHÔNG DÙNG TIÊU CHÍ KINH TẾ LÀM THƯỚC ĐO GÓI HỖ TRỢ
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với VnEconomy. Bà cho rằng, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắng thì rõ ràng gói hỗ trợ lần một chưa đạt được so với kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, rút kinh nghiệm, ở gói hỗ trợ tiếp theo phải xác định rất rõ mục tiêu và đối tượng thụ hưởng ngay từ đầu, vì quan trọng nhất là những đối tượng này phải tiếp cận được chính sách.
"Vấn đề đặt ra là phải nhận biết đúng được đối tượng và quản lý được, ví dụ doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì địa phương đó phải xác nhận, cũng giống như người lao động làm việc ở đâu thì khai báo với chính quyền nơi đó chứ không phải về tận quê quán để xác nhận, như vậy là không hợp lý", Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương việc có thêm một gói hỗ trợ nữa là cần thiết, tuy nhiên bên cạnh xem xét ban hành gói hỗ trợ mới thì vẫn phải tiếp tục triển khai gói một bằng cách đẩy nhanh việc giải ngân. Với những đối tượng đã được thụ hưởng ở lần một thì không nên đưa vào diện hỗ trợ lần hai nữa, song song với đó là phải hoàn thiện quy trình thủ tục và phương pháp tiếp cận sao cho đơn giản và hiệu quả hơn.
"Người lao động bị mất việc làm ở đâu thì thị trường lao động nơi đó phải chứng nhận chứ không nhất thiết phải về tận nơi cư trú để xác nhận. Việc khai báo có thể áp dụng bằng hình thức trực tuyến như khai kháo y tế mà không cần đến tận nơi. Điều này có thể giúp quản lý tốt hơn thông tin của đối tượng cũng như là cơ sở để đánh giá được toàn bộ tác động của Covid-19 lên thị trường lao động, những đối tượng chính trực tiếp bị ảnh hưởng", Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ.
Theo chuyên gia này, chính sách ở gói hỗ trợ lần hai cần phải tiếp tục được hoàn thiện, hơn hết những đối tượng nào bị bỏ lọt ở gói lần một thì phải đưa vào gói này, bởi vì nguyên tắc của cứu trợ trước hết là không để ai bị bỏ lại phía sau, sau đó mới tính đến việc hồi phục chung của nền kinh tế.
"Đây là gói hỗ trợ chứ không phải đầu tư mà chúng ta ưu tiên ai cả, không thể nói doanh nghiệp này đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế thì được ưu tiên còn doanh nghiệp khác thì không. Mục tiêu của cứu trợ trong thời kỳ khó khăn này là để bảo đảm điều kiện tối thiểu nhằm cứu người lao động và doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ gần như là chính sách phúc lợi xã hội thì rõ ràng mọi người đều phải bình đẳng và tiến tới lưới an toàn tối thiểu. Tôi nghĩ rằng, chính sách đầu tư về sau có thể ưu tiên nhưng trong bối cảnh hiện nay người lao động ở đâu, doanh nghiệp nào cũng quý", Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, đã gọi là gói hỗ trợ thì không nên dùng tiêu chí kinh tế để làm thước đo mà phải dùng tiêu chí phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, ở gói hỗ trợ lần hai phải điều chỉnh lại quy trình, thủ tục với mục tiêu cao nhất là "cứu" được những người yếu thế nhất của thị trường lao động cũng như khu vực doanh nghiệp khó khăn chưa tiếp cận được chính sách ở gói hỗ trợ lần một.
GÓI HỖ TRỢ LẦN HAI CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT?
Cũng phân tích về hiệu quả của gói hỗ trợ lần một, trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động chưa cho thấy hiệu quả trong thực tế. Tính đến giữa tháng 8/2020, chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng (chiếm 19%).
Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân.
VEPR cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc khoanh hoặc ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, cần rà soát để cắt giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp. Trong các phương án có thể, VEPR khuyến nghị cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn là 2% quỹ lương để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bày tỏ lo ngại về khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận, VEPR cho rằng, việc thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả.
Tuy nhiên, trái với nhiều quan điểm trước đó, việc xem xét ban hành gói hỗ trợ lần hai theo VEPR là không cần thiết. "Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy. Đồng thời, nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội", VEPR nhận định.
Ở phương diện sản xuất, kể cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài, khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới.
Do vậy, VEPR khuyến nghị đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm 2020 là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Xem thêm: mth.24800835181110202-teib-nahp-gnohk-iht-ort-oh-al-ad-iah-nal-ort-oh-iog/nv.ymonocenv