Không ít người có thu nhập từ nhiều nơi đang bị truy thu thuế cả trăm triệu đồng. Trong ảnh: làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đây là những trường hợp có nhiều nguồn thu nhập nhưng cuối năm không tổng hợp lại để quyết toán thuế. Không ít người khác cũng có thể sẽ gặp tình huống tương tự.
Bị truy thu thuế, phạt hàng trăm triệu đồng
Ông T., giảng viên lâu năm của một trường đại học lớn trên địa bàn TP.HCM, cho biết ngoài nguồn thu nhập từ việc giảng dạy ở trường, ông còn có nguồn thu nhập khác từ viết sách báo, thỉnh giảng...
Trước khi trả thu nhập cho ông, các đơn vị đều khấu trừ thuế TNCN 10%. Đinh ninh đã nộp thuế đủ, cuối năm ông chỉ ủy quyền quyết toán thuế phần thu nhập đã nộp tại trường cho phòng tài vụ.
Ông cũng không nghe trường và cơ quan thuế nhắc nhở gì. Bất ngờ gần đây ông nhận "trát" truy thu thuế TNCN trong 6 năm, từ 2014 đến 2019, với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.
"Tôi đã đến cơ quan thuế làm việc và được giải thích theo quy định lẽ ra mỗi cuối năm tôi phải tổng hợp các nguồn thu nhập để quyết toán thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Còn số tiền mà các bên chi trả thu 10% chỉ là tạm khấu trừ.
Do tôi không tổng hợp lại để quyết toán nên cơ quan thuế tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, tương đương 10,8%/năm, dẫn đến số tiền phạt, chậm nộp thuế từ năm 2014 đến nay lên đến gần 65% số tiền thuế thiếu.
Tương tự, số tiền phạt, chậm nộp từ năm 2015, 2016... đến nay lần lượt là 54%, 43,2% tính trên số tiền thuế còn thiếu. Thời gian càng dài thì khoản phạt càng nặng..." - ông T. nói.
Tương tự ông T., nhiều giảng viên khác trong trường cũng bị truy thu số thuế lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Trong đó có những người đã về hưu được mấy năm, nay cơ quan thuế mới gửi thông báo truy thu thuế. Một giảng viên cho hay bản thân đã về hưu, không còn nguồn thu nhập thường xuyên nên để nộp số thuế và tiền phạt, truy thu là cả một vấn đề.
Ví dụ một trường hợp bị truy thu thuế TNCN sau 6 năm
Bên thất thu, bên bị phạt nặng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều giảng viên cho hay họ tuân thủ quy định và đã nộp số thuế TNCN còn thiếu. Tuy nhiên, họ cũng đặt câu hỏi sao nhiều năm qua cơ quan thuế không truy thu ngay mà để đến nay.
Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số chi cục thuế tại TP.HCM cho biết theo quy định, người nộp thuế "tự khai, tự chịu trách nhiệm". Cơ quan thuế không đủ người để đôn đốc, nhắc nhở từng trường hợp, đơn vị. Khi "hậu kiểm" nếu phát hiện sai sót mới truy thu và phạt.
Thực tế thời gian qua cơ quan thuế đã truy thu một số trường hợp người có thu nhập cao, thu nhập nhiều nơi để đánh động dư luận.
Cùng với việc hoàn thiện dần cơ sở dữ liệu, hiện cơ quan thuế đang truy thu các trường hợp có nguồn thu nhập từ nhiều nơi nhưng chưa hoàn thành việc quyết toán thuế những năm qua.
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, theo quy định hiện nay ngành thuế được quyền truy thu số thuế còn thiếu trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên vì sao để đến thời gian lâu như thế? Vì sao với dữ liệu có sẵn, Tổng cục Thuế không xử lý và chuyển danh sách cho các cục thuế tỉnh, TP để mời người nộp thuế quyết toán và nộp số thuế còn thiếu?
"Chỉ cần bị truy thu, phạt một năm, chắc chắn các năm sau người nộp thuế có nguồn thu nhập từ nhiều nơi sẽ tự giác đến quyết toán chứ không dám chờ cơ quan thuế "mời" nữa. Còn việc để việc này kéo dài đến 6 năm, theo tôi, không chỉ lỗi ở người nộp thuế mà còn có phần lỗi từ cơ quan thuế trong thực hành công vụ" - ông Xoa nói.
Đồng thời cho rằng nếu việc truy thu thuế được thực hiện sớm thì ngân sách đã thu được thuế sớm và người nộp thuế sẽ không bị phạt nặng như vậy. Trách nhiệm của cơ quan thuế không chỉ là thu đúng, thu đủ mà còn phải là thu kịp thời...
Không đẩy hết trách nhiệm cho người nộp thuế
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thương mại Trí Nguyễn (Đại lý thuế Trí Nguyễn), cũng cho rằng trong việc này lỗi ở cả hai bên.
Về phía người nộp thuế đã không thực hiện đúng quy định của Luật quản lý thuế, nhưng về phía cơ quan thuế cũng có phần trách nhiệm dù cơ quan thuế có thể giải thích rằng do nhân sự mỏng, dữ liệu các năm trước chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Nghĩa, trên thực tế không phải người nộp thuế nào cũng có tâm lý trốn, lách thuế. "Cần quy định trách nhiệm hai bên sao cho có thể thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Không thể đẩy hết trách nhiệm cho người nộp thuế", ông Nghĩa nói.
10 tháng, tiền thuế TNCN đã nộp hơn 100.000 tỉ đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng cục Thuế cho biết theo dữ liệu khai thác hệ thống quản lý thuế tập trung, tính đến ngày 13-11 tổng số thu thuế TNCN lũy kế 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 100.413 tỉ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thuế lý giải: trong 10 khoản thu nhập có tới 8 khoản thu có số thuế tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, số tiền thuế TNCN từ tiền lương, tiền công thu được nhiều nhất với gần 72.548 tỉ đồng.
Thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động nên thu từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng từ bất động sản và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán lần lượt đạt 12.589 tỉ đồng và 1.699 tỉ đồng.
Ngược lại, thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân và thu nhập từ cho thuê tài sản giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá, Tổng cục Thuế cho hay 10 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng thu thuế TNCN tới 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Mức tăng đó trong năm nay đã giảm mạnh, nguyên nhân là do tác động của đại dịch và do nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.
Thực tế số thu thuế từ thu nhập tiền công, tiền lương tháng 8 đạt 4.564 tỉ đồng, tháng 9 đạt 4.123,8 tỉ đồng, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2019.
TTO - Cơ quan thuế đang yêu cầu các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với các khoản thu từ thư tín dụng (L/C) phát sinh từ ngày 1-1-2011 đến nay. Nếu bị truy thu, ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm một khoản thuế không nhỏ.
Xem thêm: mth.49581209091110202-man-6-uas-nahn-ac-pahn-uht-euht-uht-yurt-ib/nv.ertiout