Để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ, nhiều doanh nghiệp đã tìm các thị trường mới, thay đổi mặt hàng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của xã hội… qua đó việc làm, thu nhập của NLĐ vẫn ổn định trong thời gian qua.
Tích cực tìm nguồn hàng mới
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty (CĐ Cty) May xuất khẩu Hà Bắc (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) - cho biết, vừa qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất của Cty. Nhưng với nhiều giải pháp của cả tập đoàn, việc làm của công nhân (CN) vẫn được duy trì đầy đủ; CN không phải về sớm, nghỉ luân phiên, đồng thời lương vẫn tăng theo lộ trình đã đặt ra từ trước.
Theo ông Hùng, Cty gặp khó khăn nhất là giai đoạn đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát. Thời điểm đó, thị trường chủ yếu của Cty là Mỹ (95%) và Châu Âu (5%) không bán được hàng nên các đối tác yêu cầu dừng sản xuất.
“Việc dừng sản xuất đột ngột như vậy khiến Cty gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, dịch còn khiến việc vận chuyển nguyên, phụ liệu từ nước ngoài sang Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do phải trải qua các khâu kiểm dịch, cách ly rất lâu” - ông Hùng chia sẻ.
Chính trong giai đoạn khó khăn trên, Cty đã tìm hướng đi mới là may khẩu trang, bảo hộ lao động; đồng thời tìm các thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ vậy, việc làm, thu nhập của NLĐ vẫn ổn định.
Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2 (tháng 5, 6.2020), do đã có kinh nghiệm và có sự chuẩn bị, Cty có ngay nguồn hàng mới nên đỡ khó khăn hơn so với lần thứ 1, đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn. Hiện Cty đã có đơn hàng đến tháng 1, 2.2021, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng khác để “gối đầu”.
Ông Hùng cho hay, hiện bình quân thu nhập của CN làm việc tại Cty là 10-10,5 triệu đồng/tháng, đảm bảo đời sống của NLĐ. Cty dự kiến duy trì thưởng Tết theo như cách tính của năm trước là một tháng lương thứ 13 chia ra theo các mức hoàn thành công việc A, B, C tương ứng với mức 11%, 10%, 9% tổng thu nhập của cả cả năm.
Tổng Công ty May Hưng Yên - CTCP hiện có gần 16.000 NLĐ. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lãnh đạo Cty đã vượt khó, tích cực tìm nguồn hàng mới nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp (DN) cũng như đảm bảo việc làm, đời sống của NLĐ.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên - CTCP - nói rằng, lãnh đạo TCty luôn xác định: Bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải đảm bảo ổn định đời sống cho NLĐ. Do đó, lãnh đạo TCty đã tích cực tìm kiếm khách hàng mới, chấp nhận bỏ giá thầu thấp hơn “đối thủ”… để giành được đơn hàng.
“Trước đây, chúng tôi thường ký hợp đồng cả năm với các đối tác. Nhưng hiện nay, lãnh đạo TCty tích cực tìm kiếm nguồn việc mới, kể cả những mặt hàng sản xuất ngắn hạn - trong thời gian 1-2 tháng. Đến nay, TCty đã có đơn hàng đến hết tháng 12.2020. Đặc biệt, mặc dù rất khó khăn do dịch COVID-19, song lãnh đạo Cty sẽ cố gắng vẫn thực hiện thưởng tháng lương thứ 13 cho NLĐ, ở mức khoảng 9 triệu đồng/người… để họ đón Tết vui vẻ, đầm ấm với gia đình” - ông Dương chia sẻ.
Thị trường tuyển dụng bắt đầu sôi động
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) Hà Nội, thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đã bắt đầu sôi nổi hơn, các DN gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, Tết.
TTDVVL Hà Nội cho hay, trong tháng 10, thành phố huy động mọi nguồn lực và đã giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động, trong đó giải quyết việc làm cho 1.950 lao động từ nguồn vốn ngân sách của thành phố. Trung tâm tổ chức 22 phiên với 565 lượt đơn vị, DN, cơ sở đào tạo tham gia với nhu cầu tuyển dụng của DN có 6.445 chỉ tiêu.
Dự báo thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc TTDVVL Hà Nội - cho biết: “Trên cơ sở dự báo tình hình thị trường lao động - việc làm Hà Nội có thể đi những kịch bản sau: Thứ nhất, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng kiểm soát và phòng chống dịch tốt, cùng với đó là sự mở cửa trở lại giao thương với những đối tác quốc tế, hoạt động lưu thông hàng hoá của các DN dần được khôi phục và sôi động hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ có những chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.
Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, DN gia tăng sản xuất kinh doanh để phục vụ các dịp lễ, tết, do đó nhu cầu tuyển dụng tập trung vào việc làm thời vụ, bán thời gian cũng sẽ tăng cao tập trung chủ yếu nhóm nghề như kinh doanh-thương mại, dịch vụ phục vụ…
Về kịch bản thứ hai, Việt Nam trong các tháng cuối năm không kiểm soát được dịch, xuất hiện làn sóng thứ ba của COVID-19, tiếp tục lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu, ví dụ như các hoạt động đầu tư, xây dựng, du lịch sẽ không được triển khai”.
Đắk Lắk: Hàng nghìn người lao động
tìm được việc làm mới
Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh (TTDVVL) Đắk Lắk thông tin, sau khi địa phương khống chế thành công được dịch COVID-19, trong 2 tháng qua, đã có hàng nghìn người lao động ở địa phương tìm kiếm được việc làm mới. Trong số 4.000 lao động tìm được việc làm, có hơn 3.300 lao động làm việc trong tỉnh, hơn 500 người làm việc ngoài tỉnh và 13 người làm việc tại nước ngoài. Cùng với đó, đơn vị cũng đã tổ chức tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho gần 21.500 lượt người.
Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc TTDVVL tỉnh Đắk Lắk - cho biết, để đảm bảo chỉ tiêu giới thiệu việc làm trong năm 2020, ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 được khống chế, đơn vị đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tăng cường và phiên lưu động để hỗ trợ lao động sớm tìm được việc làm. Đến nay, trung tâm đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm, 7 phiên giao dịch việc làm lưu động, 2 ngày hội việc làm thu hút hơn 120 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động với hơn 5.000 lượt lao động tham gia.BẢO TRUNG
Xem thêm: odl.515558-gnah-nod-gnut-uihc-tahc-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal