Thầy Nguyễn Quốc Hiệp, Trường tiểu học Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, cùng đồng nghiệp đi cứu trợ người dân, gia đình học sinh - Ảnh: T.L.
Cuộc "đổi ca" đặc biệt giữa rừng Trường Sơn
Thầy hiệu trưởng Hoàng Đức Hòa cùng các giáo viên phải chống chọi với lũ cô lập ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bố Trạch, Quảng Bình, kể: "Nghe các anh biên phòng nói nước đã rút, chỉ còn điểm từ km17-19 tỉnh lộ 20 còn sạt lở, anh em giáo viên hội ý nhanh, nếu không tranh thủ thì bão số 8, số 9 vào có thể lại lụt nặng".
Những giáo viên của trường bị mắc lũ ở đồng bằng chuẩn bị sẵn sàng lương thực, xăng, vật dụng thiết yếu, mỗi người một xe máy, đúng giờ hẹn có mặt tại điểm sạt lở ở km17. Giáo viên đang ở trường cũng tới điểm hẹn để đổi người, nhận đồ tiếp tế.
Cuộc "đổi ca" đặc biệt diễn ra giữa rừng Trường Sơn được thầy Hòa kể lại: "Vừa dạy hết tiết 2, nghe báo là chúng tôi lên đường.
Trường có 15 người ở lại cùng học sinh trong đợt bị lũ cô lập, mọi người đều sốt ruột ở nhà, nhưng sau khi hội ý thì chỉ có 9 người xin "đổi ca", còn lại 6 người tình nguyện tiếp tục ở lại cùng với các giáo viên ở đồng bằng mới lên.
Chúng tôi chia nhau những giọt xăng cuối cùng, cả các thầy cô không về cũng lên đường để đón các giáo viên dưới đồng bằng lên.
Chúng tôi chạy xe máy 40km đường xuyên rừng. Cảm xúc khi ấy lẫn lộn. Những người sẽ về xuôi thì mừng vì sắp gặp lại gia đình, không biết nhà có bị ảnh hưởng bởi bão lũ không, nhưng cũng lo cho người ở lại nhỡ không đủ người để giải quyết khó khăn.
Những khi đường không thông, học sinh không đến được trường, giáo viên phải chia nhau đi đến các thôn bản để chở học sinh đến trường. Thế nên thiếu người, các thầy cô ở lại rất cực.
Trên đường chúng tôi đi, nhiều đoạn sạt lở, cây đổ ngang đường. Nhưng tới km19 thì cứ như có cả quả núi sập xuống đường. "Đường bị ai ăn trộm rồi các thầy ơi" - một người nói đùa theo cách nói của đồng bào.
Hai đoàn giáo viên bị kẹt ở hai đầu đoạn sạt lở. Chúng tôi quyết định cắt rừng để sang bên kia. Vừa đi vừa hú để xác định vị trí, không lạc. Hơn 30 phút lội bùn, băng rừng, chúng tôi gặp nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi giữa rừng Trường Sơn.
Chỉ kịp hỏi thăm nhau, chúng tôi lại vội vàng bàn giao đồ tiếp tế, rồi chia nhau đi hai hướng.
Trở lại cung đường cũ để về trường, lòng nhiều người cũng chút nặng trĩu vì đã từ chối cơ hội về thăm gia đình, nơi người thân đang phải đối diện với khó khăn vì bão lũ.
Nhưng trước mắt chúng tôi là những đứa trẻ. Điều đó thôi thúc chúng tôi bỏ lại sau lưng đồng bằng, để đi nhanh về trường trước khi mặt trời lặn sau núi".
Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm tại xã Thượng Trạch, cách trung tâm huyện Bố Trạch 80km theo đường 20 và tỉnh lộ 62. Trường có trên 30 giáo viên với 288 học sinh.
Trong những ngày bị lũ cô lập, trường vẫn không ngừng dạy học. Hết giờ học, các thầy cô lại lo dọn dẹp, sửa chữa đồ bị hỏng, nấu ăn cho học sinh. Các thầy giáo phải kết bè chuối bơi ra ngoài tìm kiếm lương thực cho thầy trò ở trường.
"Chúng tôi bơi trên đường đấy, không phải sông đâu. Nhưng lũ ngập sâu 4-10m. Chúng tôi bơi ra tầm 1km để nhận đồ tiếp tế mang quay lại trường" - thầy Hoàng Đức Hòa giải thích bức hình đồng nghiệp của anh gửi cho Tuổi Trẻ.
Các thầy cô Trường DTNT huyện Bố Trạch, Quảng Bình, tiếp sức trên chặng đường sạt lở để đến trường - Ảnh:HOÀNG ĐỨC HÒA
Việc dạy, việc giúp dân của giáo viên mùa lũ
Thầy Nguyễn Quốc Hiệp, giáo viên Trường tiểu học Mỹ Lộc, đồng thời là phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, được nhiều người biết đến trong đợt lũ vừa qua vì "tội" trốn viện để về cứu trợ cho dân, cho các gia đình học sinh, giáo viên. Công việc mà theo thầy Hiệp "đã trở thành máu thịt" mỗi khi thiên tai gieo họa.
Một hình ảnh khác là cô Nguyễn Thị Thanh Nga, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), đã bất chấp nguy hiểm khi lũ lên đỉnh, chèo thuyền đến các trường học, đến nhà giáo viên, học sinh để thăm hỏi, để biết những thiệt hại, khó khăn và tìm cách hỗ trợ.
Nhưng điểm chung của hai thầy cô khi chia sẻ là đều không muốn nhắc về mình. Đơn giản vì "giáo viên ở vùng lũ, ai cũng sẽ như thế".
Thầy Hiệp đã gọi những ngôi trường may mắn không bị ngập trong đợt mưa lũ là "nơi trú ẩn" của học sinh, của người dân xung quanh.
"Khi nước lên, nhà dân ngập trắng, những trường học kiên cố trở thành nơi đón người dân đến trú ngụ. Những ngày này, trường không dạy học, nhưng giáo viên vẫn rất bận. Chúng tôi phải thu dọn, lo nấu hàng trăm suất ăn cho người đang tá túc và gửi đi cho những người bị cô lập do lũ.
Có những giáo viên nhà cũng bị ngập, đồ đạc, tài sản bị mất nhưng vẫn đến trường. Đến để lo thu dọn, cứu những thiết bị dạy học, sách vở khỏi bị hỏng, ướt, đến để giúp dân, giúp học sinh của mình" - thầy Hiệp chia sẻ.
Khi lũ còn chưa rút, những trưởng phòng giáo dục như cô Thanh Nga đã phải nắm được tất cả số gia đình giáo viên, học sinh chịu thiệt hại, con số thiết bị, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh và các nhà trường bị hỏng, mất trong bão lũ. Để có con số xác thực thì phải đến tận nơi và xắn tay áo cùng làm với giáo viên.
"Bất cứ ai ở hoàn cảnh tôi cũng không kiềm chế được cảm xúc khi đến nhà giáo viên trong lũ. Nhà cửa ngập hết, bồ thóc dự trữ kê cao rồi mà cũng ngập ướt hết cả.
Giáo viên ở đây vất vả lắm. Người mới ra trường lương 2-3 triệu đồng/tháng, người lâu năm cũng 5-6 triệu đồng/tháng thôi.
Để "nuôi nghề", hầu hết phải làm thêm. Mà làm thêm ở đây chỉ làm nông nghiệp. Nên mưa lũ, mất trắng là đối diện với cái đói. Có giáo viên nhìn thấy tôi là bật khóc. Có đến tận nơi cũng để chia sẻ tình cảm, chứ cũng đâu biết cách gì để giúp nhau" - cô Thanh Nga xúc động kể.
Đối diện với cái đói, rơi vào cảnh khó khăn, nhưng theo cô Thanh Nga, không giáo viên nào muốn bỏ nghề.
Cái quý nhất là họ không nghĩ cho riêng mình. Mỗi trái tim của giáo viên ở nơi này là một ngọn lửa âm ỉ. Điều giữ cho ngọn lửa ấy không bị tắt ngấm trong mưa lũ chính là tình yêu nghề, tình cảm đồng nghiệp dành cho nhau. Họ truyền cho nhau sự ấm áp và truyền cho cả phụ huynh, học sinh.
Những thứ vô hình ấy níu giữ phụ huynh vượt khó khăn, cho con đi học trở lại, và giúp những đứa trẻ tin yêu thầy cô, gắn bó trường lớp.
Sau khi lũ rút, công việc của giáo viên càng chồng chất hơn. Thầy Quốc Hiệp kể có những trường 30-40 giáo viên sau khi dọn xong trường mình lại lội bộ hàng chục cây số để giúp các trường khác, giúp nhà những giáo viên khác cũng bị ngập nước.
Hàng trăm việc không tên của giáo viên trong ngày trở lại trường. Lo nhất là học sinh bỏ học, cô Thanh Nga kể các thầy cô phải biết những học sinh gặp khó khăn nhất, phải đến tận nhà nếu trò vắng mặt.
Nhiều giáo viên dù khó khăn vẫn chia sẻ với học sinh suất cơm bán trú để trẻ quay lại trường được ăn miễn phí.
"Thương giáo viên lắm! Có những giáo viên, tôi không bao giờ thấy lưng áo họ khô mà luôn đẫm mồ hôi. Dĩ nhiên, các trường miền Trung thời gian qua cũng nhận được chia sẻ của người dân, thầy trò cả nước.
Nhưng những vất vả lâu dài, những hậu quả lâu dài để lại, chỉ có giáo viên trực tiếp sống và làm việc ở đây mới thấm thía và phải cố gắng động viên nhau vượt qua" - cô Thanh Nga tâm sự.
Bài dạy từ trái tim
Trong những ngày bị lũ cô lập, nhiều trường học không dạy. Giáo viên tạm ngưng đứng bục giảng. Nhưng họ lại có những bài học khác để dạy cho trẻ, đó là bài học tình người. Bài học không được cất lên từ những trang giáo án, mà tỏa sáng từ trái tim người thầy.
"Bỏ nghề ư? Không bao giờ!" - thầy Nguyễn Quốc Hiệp trả lời không do dự khi được hỏi về công việc vất vả ở vùng thường xuyên chịu bão lũ. Câu trả lời thay cho rất nhiều, rất nhiều thầy cô khác.
*****************
Có hôm trò khiếm thính bị đau bụng, tiêu chảy. Mẹ bé chưa kịp đến, thế là thầy tự tay rửa ráy, đôn đáo chạy đi mượn quần áo của học sinh lớp khác.
>> Kỳ tới: "Cha, mẹ" của học trò khiếm thính
TTO - Hai người thầy ấy được gọi là 'ông thầy sáng tạo' vì luôn mày mò cách thức mới để bài giảng của mình cuốn hút hơn, giúp học trò đào sâu kiến thức dễ dàng hơn.
Xem thêm: mth.11324311191110202-ul-oab-neim-o-coh-yad-3-yk-coh-yad-ehgn-uey/nv.ertiout