Hiền bán vé số mưu sinh, phụ mẹ kế nuôi cha già yếu và giúp đỡ người khó khăn - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Trên đoạn quốc lộ 1 qua trung tâm thành phố Vĩnh Long, khách bộ hành mê mải những câu chuyện đường dài, bỗng có người giật thót: "Trời! Ai vậy kìa?".
Ban đầu về nhà này, thấy thằng Hiền tui sợ lắm. Nó ra nhà sau là tui ra nhà trước. Sau này nhận ra bản chất nó rất hiền lành tui mới thương.
Mẹ kế của Ba Lép
Chuyện buồn nhà ông Vui
Một người có gương mặt to như chiếc quạt ba tiêu, đầu nhỏ, cằm càng đưa và to ra, hốc mắt sâu, cái miệng tròn lưa thưa những chiếc răng nhỏ nhọn... Nhiều người qua đường e ngại nhìn mặt người đàn ông đang cười ồ ề với lũ chim sâu, chim sẻ.
"Chỉ có chim không sợ tui..." - Ba Lép nói từng từ nặng nề, khó nghe. Chị bán hủ tiếu gần đó kể với khách rằng ngày nào anh cũng cho chim ăn.
Những ngày dịch bệnh, hạn chế ra đường, người ta cũng thấy anh đeo khẩu trang mang gạo ra cho chim vì sợ vắng người, chúng đói... "Mà cũng chỉ có chim chơi với ổng, chứ có ai chơi đâu".
Tôi bước đến bàn vé số dưới tán cây, mua ít tờ. Ba Lép đưa cho tôi giấy chứng minh nhân dân: Lê Hữu Hiền, sinh ngày 12-5-1976, phường 1, TP Vĩnh Long... Chỉ vào cột điện, anh gật gù bằng những lời dính liền, chỉ có vài từ hơi rõ: "Vé số... không giật chạy... nhà tui kia".
Trong căn nhà thấp nhưng sạch sẽ giữa con hẻm nhỏ thành phố Vĩnh Long, ông lão nhỏ người tỏ ra ngạc nhiên khi có người tìm: "Chú quen sao với Hiền? Trước giờ nó không quen biết ai...".
Khi nghe nói tôi từ xa tới, muốn biết về gia cảnh người phải mang gương mặt lạ kỳ, ông Lê Văn Vui (76 tuổi) - ba Hiền - thở dài, chia sẻ bằng giọng trầm buồn: "Tôi trước là lính tráng, hay đi vào những vùng máy bay rải chất độc khai quang và có thể đã bị nhiễm".
Khi tàn chiến cuộc, ông Vui trở về phụ vợ buôn bán nhỏ. Giữa năm sau, vợ ông sinh con trai đầu lòng. Lúc mới sinh ra, Hiền cũng giống như bao đứa trẻ khác, chỉ có điều là chậm đi, chậm nói.
Vậy rồi khi lên 5 tuổi, đầu anh cứ to dần, thỉnh thoảng hay bị nóng lạnh. Mỗi lần con bệnh, ông lại đưa đi bác sĩ tư "chích hạ sốt".
Cứ vậy, đầu Hiền to dần ra bất thường, cằm phình như chiếc quạt. Trẻ con trong xóm không dám chơi cùng. Hiền cũng mặc cảm không tiếp xúc với ai bên ngoài.
Mỗi lần đi buôn bán về, thấy con vật vờ, biến dạng, vợ ông Vui vừa thương con vừa thở dài. Đôi khi bà về nhà để ăn vội chén cơm, rồi lại đi tiếp. Nhiều hôm bà cũng chẳng muốn về nhà để đối diện cảnh ngộ đang là gánh nặng đời mình.
Đến một hôm, sau mấy ngày không thấy vợ về, ông Vui chạy đi khắp nơi hỏi tung tích. Vất vả lắm mới có người nói thiệt là vợ ông có lẽ không về nữa. Bà muốn có một cuộc sống khác, mà ở đó không phải mang gánh nặng bởi người chồng nghèo, còn đứa con thì dần biến thành dị nhân.
Không có bạn bè, Hiền chỉ thẩn thơ rải gạo cho chim ăn và chơi vui với chúng - nh TIẾN TRÌNH
Xấp vé số và đàn chim làm bạn
Vợ bỏ đi! Ông Vui biết đến lúc mình cũng phải ra đường kiếm sống, nuôi con. Nhà còn chiếc xe đạp, ông rong ruổi trên đường phố Vĩnh Long chạy xe đạp ôm. Khi Hiền đến tuổi đi học, ông Vui cũng đưa con đến trường cho con biết chữ với người ta.
Nhưng ngồi trong lớp chẳng bao lâu, cô giáo mời ông đến nói thẳng rằng các học sinh khác bị áp lực vì sự hiện diện của Hiền.
Các phụ huynh khác đến phản ảnh con của họ về nói "sợ bạn Hiền, không học được". Dù trong lớp Hiền hiền lành như cục đất, thậm chí không hề nói chuyện với ai.
Ông Vui kể dù rất ham học nhưng khi biết được câu chuyện mình là gánh nặng cho các bạn, Hiền cương quyết không đến lớp nữa. Anh cũng không lân la qua nhà hàng xóm.
Đến khi Hiền 12 tuổi, ông Vui gá nghĩa với một nữ sinh sư phạm ở Long Hồ. Dù rất thương hoàn cảnh hai cha con nhưng người mẹ kế cũng ra điều kiện: "Anh giao thằng Hiền cho mẹ ruột của nó nuôi, tôi mới chịu về với anh".
Thời may, bên nhà gái biết được hoàn cảnh của con rể đã ra lời khuyên nhủ nên con gái họ mới đồng ý sống chung với con chồng.
Hôm tôi ghé nhà, bà (không đồng ý nêu tên) thú thật: "Ban đầu về nhà này thấy thằng Hiền tui sợ lắm. Nó ra nhà sau là tui ra nhà trước. Sau này nhận ra bản chất nó rất hiền lành tui mới thương...".
Nói vậy nhưng áp lực của cô gái mới lớn, lại ưng người chồng có đứa con mang gương mặt "đáng sợ nhất Vĩnh Long" khiến bà phải chịu đựng nhiều năm sau đó.
Thấy vợ hay buồn vì lời gièm pha, ông Vui nhiều lần hỏi bà... có định bỏ ông không. Bà trấn an: "Khi đã chịu ông rồi thì ông yên tâm, tui không bao giờ bỏ rơi cha con ông...".
Ông Vui kể tuy mặt ngày càng to nhưng thân hình Hiền lại rất ốm yếu, nhỏ thó nên mới đặt là "Ba Lép". Hiền hay mệt mỏi, đau nhức. Dù rất ngại xuất hiện trước đám đông nhưng khi lớn lên chút, Hiền cũng xin lãnh vé số bán.
Ban đầu anh chỉ dám đi bán dạo ở các con hẻm. Nhưng khổ là khi anh đến đâu thì người ta né anh đến đó. Thậm chí con nít gặp anh nhiều đứa khóc thét vì sợ. Nhiều lần, Hiền lãnh vé số, cố gắng đi bộ khắp nơi, người đau nhức rã rời nhưng cũng chẳng bán được.
Bởi chưa kịp mua vé số thì người ta đã quay đi như chạy khỏi Ba Lép. Những lúc đó, đau nhức bản thân một, anh buồn cho bản thân mười.
Thời gian sau, Hiền bấm bụng cầm cọc vé số đi ra bến tàu du lịch bán với hi vọng gặp được người hiểu biết, không kỳ thị gương mặt của mình. Không ngờ ở đây anh lại được nhiều người thương tình mua vé số ủng hộ.
Điều đó đồng nghĩa với những người bán vé số khác bị mất khách. Họ lại tung tin cho khách gần xa đừng mua vé số của Hiền, vì anh không bán vé số mà chuyên giật tiền của khách bỏ chạy.
Ngày nọ, Hiền không biết chuyện gì xảy ra khi anh cũng mang vé số đến bến tàu du lịch như mọi khi nhưng thay vì gặp những ánh mắt cảm thông, anh lại vấp phải những ánh nhìn ái ngại.
Mãi sau khi biết sự thật, anh phải vừa mời vừa giải thích: "Tôi không giật chạy, tôi không giật chạy...". Ngặt nỗi, anh nói khó khăn, giọng ồm ồm, càng giải thích thì người ta càng sợ, càng xa lánh!
Buồn bã, Hiền mang vé số ra công viên cặp quốc lộ, không bán ở bến du lịch nữa. Anh viết tên mình lên bàn vé số, lên cột điện, lên xe đạp để mọi người tin anh không phải kẻ... giật dọc.
Hàng xóm ở gần công viên nói Hiền không nghe được mấy tiếng người, nhưng có lẽ anh nghe được... tiếng chim.
Cuộc sống anh không có lấy một người bạn vì họ sợ gương mặt của anh, nhưng khi anh ra công viên thì chim chóc kéo tới nhảy nhót, hót líu lo. Chúng không sợ anh, mà hình như chúng còn mến anh, cảm được lòng tốt của "dị nhân"!
Vậy là mỗi ngày, trước khi vào cuộc mưu sinh, Hiền lại mang gạo ra cho đám chim từ các nơi kéo về. Những lúc ấy, người ta thấy được nụ cười kỳ lạ của anh, đưa ra những chiếc răng thưa nhọn. Nhưng nó không đáng sợ như người ta định kiến.
Người qua kẻ lại thấy anh thẩn thơ, hiền lành cho chim ăn cũng bắt đầu thân thiện hơn. Xấp vé số của anh cũng được nhiều người mua giúp.
Có tiền, Hiền lại đỡ đần cho mẹ nuôi cha đã già cả, ốm yếu và giúp đỡ những người khó khăn hơn... Những lúc đi bán về, anh lại buông người thở dốc vì cơ thể đau nhức, nhưng hiền lành, ngoan như một đứa bé.
Người ngoài khó thấy được nụ cười trên gương mặt dị dạng của Hiền, nhưng lòng cha mẹ biết con mình rất hay cười dù số phận nhân gian không cho anh niềm vui…
Mẹ kế thương Hiền!
Mẹ kế Hiền tâm sự sống chung lâu ngày, bà dần nhận ra sau gương mặt của "người cõi khác" thì Hiền rất hiền lành, tốt bụng như đúng cái tên và đặc biệt rất "văn minh". Học hành không được mấy chữ nhưng anh luôn nề nếp, gọn gàng, không phiền hà tới ai. "Lâu sau này tui mới thấy thương nó, mà thật là thương số phận nó thiệt thòi" - người mẹ kế trải lòng.
TTO - Ngày 2-5-2008, trên sân Vĩnh Long ở Giải hạng nhì quốc gia, tia sét đánh thẳng xuống sân khiến Phạm Dư Thiên Chương (đội Vĩnh Long) cùng Trần Thanh Trường (đội Nguyễn Hoàng Kiên Giang) bất tỉnh và sau đó giã từ sự nghiệp bóng đá.
Xem thêm: mth.58014131191110202-pel-ab-auc-al-yk-iouc-un/nv.ertiout