Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech cho biết loại vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng phát triển và sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép đưa vào sử dụng khẩn cấp (EUA), kênh Channel News Asia (CNA) cho hay.
Mỹ sẽ có vaccine ngừa COVID-19 trước Giáng sinh
Đại diện Pfizer và BioNTech cho biết họ sẽ đệ đơn trong vòng vài ngày tới lên FDA để xin phép đưa vaccine vào sử dụng khẩn cấp, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý khác trên toàn cầu.
Ủy ban cố vấn của FDA dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày 8-12 đến ngày 10-12 để thảo luận về loại vaccine này, CNA đưa tin. Tuy nhiên, hiện FDA vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.
Giám đốc điều hành BioNTech - ông Ugur Sahin nói với hãng tin Reuters rằng việc cấp phép sử dụng khẩn cấp có thể sẽ diễn ra vào giữa tháng 12, trước lễ Giáng sinh tại Mỹ và vào nửa cuối tháng 12 tại châu Âu.
"Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi tin rằng vaccine của chúng tôi sẽ được chấp thuận vào nửa cuối tháng 12 và bắt đầu đưa vào sử dụng trước Giáng sinh, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi mọi thứ diễn ra tích cực" - ông Sahin chia sẻ.
Những lọ vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất. Ảnh: REUTERS
Pfizer tiết lộ họ dự kiến sẽ sản xuất trên toàn cầu khoảng 50 triệu liều vaccine trong năm 2020, với hai liều vaccine dành cho mỗi người, và sau đó sản xuất tới 1,3 tỉ liều vào cuối năm 2021.
Vaccine BNT162b2 của Pfizer-BioNTech hiệu quả đến đâu?
Tuyên bố được ông Sahin đưa ra hôm 18-11, sau khi kết quả thử nghiệm cuối cùng cho thấy loại vaccine có tên là BNT162b2 này có tỉ lệ thành công lên đến 95% và không xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Theo đó, BNT162b2 có hiệu quả 95% đối với bệnh nhân COVID-19 bắt đầu từ 28 ngày sau liều đầu tiên.
Ngoài ra, loại vaccine của Pfizer-BioNTech còn đem lại hiệu quả giống nhau ở đủ mọi nhóm tuổi, giới tính, chủng tộc và dân tộc, với mức độ hiệu quả ở người trên 65 tuổi là hơn 94%.
Logo tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty sinh học Đức BioNtech phía sau những cây kim tiêm. Ảnh: REUTERS
Việc cấp phép vaccine dành cho trẻ em sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có loại vaccine của Pfizer-BioNTech là đã được tiêm chủng thử nghiệm cho những tình nguyện viên dưới 18 tuổi và nhỏ hơn 12 tuổi.
Hình ảnh những lọ vaccine ngừa COVID-19 và cây kim tiêm. Ảnh: REUTERS
“Hôm nay là một ngày đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người: chưa đầy một năm kể từ khi đại dịch bùng phát mà chúng ta đã có thể tiến đến việc thử nghiệm lâm sàng với quy mô lớn, hơn nữa là dựa trên một kỹ thuật hoàn toàn mới” - ông Enrico Bucci, nhà sinh vật học tại Đại học Temple ở bang Philadelphia (Mỹ) chia sẻ hôm 18-11.
Phân phối không dễ
Các chuyên gia y tế cho biết đây là một thành tích đáng kể trong cuộc chạy đua tìm ra vaccine để chấm dứt đại dịch COVID-19.
Những liều vaccine đầu tiên sẽ được ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế ở Mỹ và Anh, và có thể phải mất vài tháng trước khi triển khai tiêm chủng quy mô lớn ở cả hai quốc gia, theo CNA.
Pfizer cũng chia sẻ thêm rằng họ đã đề nghị cung cấp cho Brazil hàng triệu liều vaccine trong nửa đầu năm 2021. Họ cũng thỏa thuận với Liên minh châu Âu, Đức và Nhật để có thể tiến hành phân phối vaccine BNT162b2 cho những quốc gia này vào năm sau.
Một nhân viên y tế đang lấy mẫu vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer sản xuất. Ảnh: REUTERS
Ông Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định sẽ phải mất ít nhất 4-6 tháng trước khi việc tiêm chủng được diễn ra trên khắp thế giới.
Ngoài ra, quá trình phân phối BNT162b2 là vô cùng phức tạp vì loại vaccine này phải bảo quản ở -70 độ C (-94 độ F) (chẳng hạn, trong đá carbonic CO2) nên có thể hơi khó dùng rộng rãi ở các nước chậm tiến.
Tuy nhiên, BNT162b2 vẫn có thể được bảo quản từ 5-15 ngày trong tủ lạnh thông thường khi được đặt trong thùng xốp cách nhiệt, theo CNA.
Một loại vaccine khác của công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna phát triển cũng sắp thử nghiệm xong và được dự đoán cũng có hiệu quả tương tự, chỉ cần bảo quản ở -20 độ C (-4 độ F), có thể giữ trong tủ đông y tế thường.
Ông David Spiegelhalter - giáo sư tại Đại học Cambridge - tuyên bố: “Đây là những kết quả phi thường và dữ liệu về mức độ an toàn có vẻ rất khả quan”.
Theo số liệu thống kê từ trang Worldometer, toàn thế giới hiện đã có tới 56.619.747 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.355.875 bệnh nhân đã tử vong.