Đại tướng David Berger (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide - Ảnh chụp màn hình Kyodo News
Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết tướng Berger đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi trong cùng ngày 18-11.
Hai bên chia sẻ quan ngại về việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực và các biện pháp cưỡng ép nước khác.
"Tôi hiểu môi trường an ninh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tôi tin điều này sẽ thúc đẩy chúng ta tiến lên để thay đổi, duy trì khả năng răn đe trong khuôn khổ liên minh Mỹ - Nhật", tướng Berger đặt vấn đề trong cuộc hội đàm với ông Suga.
Đáp lại, thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh Toykyo sẵn sàng "tăng cường hơn nữa các phối hợp với Mỹ, tăng cường năng lực phản ứng và răn đe của Nhật Bản thông qua liên minh song phương". Theo ông Suga, đây là một phần trong các nỗ lực hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong cuộc gặp sau đó với Bộ trưởng Quốc phòng Kishi và Ngoại trưởng Motegi, Đại tướng Berger không dừng lại ở việc đề cao vai trò của hai nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Theo Hãng thông tấn Kyodo, sau khi thảo luận về việc chuyển bớt các lực lượng Mỹ ra khỏi căn cứ Futenma ở Okinawa, hai bên đã lưu ý và nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết với các nước như Úc và Ấn Độ. Đây vốn là các nước nằm trong Đối thoại an ninh bốn bên hay còn được biết đến với tên khác là "tứ giác kim cương".
Tàu hộ vệ tên lửa lớp 30FFM của Nhật Bản trong lễ hạ thủy ngày 19-11. Lớp tàu chiến này có thể được sử dụng để bảo vệ các hòn đảo Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông nhưng đang tranh chấp với Trung Quốc - Ảnh: TWITTER
Dưới thời thủ tướng Abe Shinzo, Nhật Bản trở thành ngọn cờ đầu trong việc tìm kiếm và liên kết các nước vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở.
Ngoài chuyển giao tàu tuần tra cho các nước Đông Nam Á, Tokyo cũng tăng cường hiện diện tại khu vực sau các chiến dịch "đảm bảo tự do hàng hải" của Mỹ. Các tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản được triển khai tới Biển Đông, tham gia các cuộc diễn tập và huấn luyện chung với một số nước trong khu vực.
Không dừng lại đó, theo giới quan sát, đang có nhiều chỉ dấu cho thấy Nhật Bản đang hướng tới việc tăng cường xuất khẩu vũ khí cho các nước gần Trung Quốc. Theo trang Naval News, thông qua công ty công nghiệp nặng Mitsubishi, Tokyo đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu tàu hộ vệ tên lửa lớp 30FFM tới Đông Nam Á.
Với lượng giãn nước đầy tải 5.500 tấn, lớp tàu 30FFM được vũ trang mạnh với 8 tên lửa chống hạm Type 17. Hiện có tin đồn Indonesia và Úc đã thể hiện sự quan tâm tới khinh hạm đa nhiệm này.
Hiện Nhật Bản đã hạ thủy được hai khinh hạm thuộc lớp 30FFM. Chiếc mới nhất thuộc lớp tàu chiến này mang tên Kumano vừa được hạ thủy sáng 19-11. Trang Naval News bình luận việc chỉ có 90 thủy thủ vận hành tàu cho thấy mức độ tự động hóa trên các khinh hạm lớp 30FFM "rất cao".
TTO - 'Tất cả chúng ta nên đứng dậy và lên tiếng khi chúng ta chứng kiến hành vi xấu của Trung Quốc' - Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Marc Knapper thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc, các nước đồng minh của Mỹ.
Xem thêm: mth.24300527191110202-couq-gnurt-ohp-iod-yat-tab-iog-uek-ym-gnout-tahn-maht/nv.ertiout