Việc cải tiến thủ tục quyết toán sẽ giúp người nộp thuế lẫn cơ quan thuế đỡ vất vả mỗi kỳ quyết toán, đồng thời tạo điều kiện cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ - Ảnh: A.H.
Theo các chuyên gia, thay vì đưa ra quy định sao cho thuận tiện cho ngành thuế, cơ quan thuế cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người làm công ăn lương thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt là nên loại bỏ quy định người nộp thuế phải lưu giữ hóa đơn, chứng từ giấy để quyết toán thuế khi mà ngành thuế sắp khai tử loại hóa đơn này.
Nên bỏ quy định lưu giữ hóa đơn, chứng từ giấy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Tr.T.B. (TP.HCM) cho biết thường được mời dạy các lớp nghiệp vụ về thuế tại một số trường đại học hoặc tại các địa phương, đôi khi là các buổi nói chuyện tại doanh nghiệp (DN) gói gọn trong một buổi.
Trong khi đó, mỗi DN lại có cách cấp chứng từ khấu trừ khác nhau. Có DN cấp ngay khi chi trả, nhưng cũng có nơi đến cuối năm mới cấp chứng từ. Do vậy nhiều trường hợp ông B. cũng không nhớ hết.
Ông M. - một bác sĩ sản khoa tại TP.HCM - cũng cho biết ngoài thu nhập ở bệnh viện và các ca mổ tại bệnh viện khác, ông còn có thu nhập từ các buổi nói chuyện về sức khỏe giới tính tại các DN cho nhân viên nữ nhân dịp 20-10, 8-3 hay giao lưu trực tuyến... do nhãn hàng tài trợ, viết các status quảng cáo.
Vị bác sĩ này khẳng định sẵn sàng nộp thuế theo quy định với tất cả khoản thu nhập nhưng cần cách quyết toán đơn giản hơn thay vì yêu cầu lưu giữ tất cả hóa đơn chứng từ.
"Công việc của tôi rất bận rộn, làm việc bất kể ngày đêm mà cơ quan thuế lại yêu cầu lưu giữ tất cả hóa đơn chứng từ trong suốt 1 năm thì rất khó.
Ngành thuế có cơ sở dữ liệu để truy thu người nộp thuế mà lại không có cơ chế sao cho người nộp thuế chỉ cần truy cập vào trang web của Tổng cục Thuế và gõ mã số thuế của mình là ra tất cả thu nhập đã nhận trong năm để từ đó làm cơ sở quyết toán thuế TNCN.
Trường hợp người nộp thuế có khiếu nại về khoản thu nhập nào đó mới cần đối chiếu chứng từ", vị bác sĩ này đề nghị.
Ông Đ.V.Kh. - cán bộ của một viện nghiên cứu ở Hà Nội - cũng cho rằng ngành thuế nên thay đổi cách thức quản lý đối với TNCN bởi đã có cơ sở dữ liệu của người nộp thuế. Thu nhập của người lao động được quản lý theo mã số thuế, do đó không nên buộc người lao động phải chứng minh thu nhập, thu nhập đã được khấu trừ thuế khi tự quyết toán thuế.
Bản thân ông Kh., ngoài tiền lương ở viện, mỗi năm còn có thu nhập từ giảng dạy, tham luận tại hội thảo, viết bài trên một số tờ báo... và các đơn vị chi trả đều khấu trừ 10% thuế TNCN. "Tuy nhiên, tôi phải lưu giữ tất cả giấy tờ, chứng từ khấu trừ thuế từ đầu năm đến tháng 3 năm sau - thời điểm quyết toán thuế TNCN.
Đây là việc không đơn giản đối với cá nhân. Nhưng nếu không may bị thất lạc chứng từ và kê khai thuế không đầy đủ, rất dễ bị cho là trốn thuế" - ông Kh. băn khoăn.
Cần đơn giản hóa thủ tục quyết toán thuế với những người làm công ăn lương có nguồn thu nhập từ nhiều nơi - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cần cho phép người nộp thuế trích xuất dữ liệu
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng quy định về quyết toán thuế với người có nhiều nguồn thu nhập hiện nay chỉ thuận tiện cho cơ quan thuế, trong khi người nộp thuế lại rất dễ rước phiền phức.
Theo bà Nguyễn Thị Dung, giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đại lý thuế D&P VN, trong quá trình hỗ trợ quyết toán thuế TNCN thấy rất nhiều người nộp thuế quên không lưu giữ chứng từ khấu trừ thuế TNCN và xác nhận thu nhập. Do đó, nhiều trường hợp không được hoàn thuế khi số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế TNCN phải nộp.
"Bản thân người nộp thuế TNCN luôn mong muốn được nộp thuế đầy đủ, kịp thời và mọi lúc, mọi nơi. Ngành thuế đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế tương đối tốt thì nên tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo đó, cơ quan thuế nên xem xét tích hợp chứng từ khấu trừ thuế TNCN lên thuế điện tử để giảm thiểu thủ tục, thời gian cho người nộp thuế. Việc này không chỉ giúp giảm thời gian nộp thuế và hoàn thuế mà còn tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và phía cơ quan thuế nữa" - bà Dung khuyến nghị.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng quy định về quyết toán thuế với người có nhiều nguồn thu nhập đã có từ khi áp dụng Luật thuế TNCN, đến nay đã hơn 10 năm. Ở thời điểm đó, cơ quan thuế chưa có nguồn cơ sở dữ liệu tập trung như hiện nay nên quy định đó ở thời điểm 10 năm trước có thể phù hợp.
"Còn hiện nay, khi đã có đủ cơ sở dữ liệu, ngành thuế nên cải tiến quy trình quyết toán thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình. Phương thức có thể như đề xuất của người nộp thuế là gõ mã số thuế sẽ ra các nguồn thu nhập thay vì phải tập hợp chứng từ", ông Sơn gợi ý.
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thương mại Trí Nguyễn (đại lý thuế Trí Nguyễn), phương án cho phép trích xuất dữ liệu để nộp thuế với người làm công ăn lương là khả thi. Với phương án này, người nộp thuế cũng sẽ dễ dàng ủy quyền cho đại lý thuế quyết toán thuế TNCN thay cho mình.
"Thủ tục càng thuận lợi càng tạo điều kiện cho các cá nhân hoàn thành nghĩa vụ thuế. Thực tế nhiều năm làm thủ tục quyết toán cho các cá nhân có nguồn thu nhập nhiều nơi, đặc biệt là văn nghệ sĩ, tôi thấy họ rất khổ sở trong việc tập hợp chứng từ.
Ngành thuế đang thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử, kê khai, nộp thuế qua mạng... do vậy cũng nên bỏ quy định phải trình chứng từ giấy ", ông Nghĩa nói.
Đơn giản thủ tục để hỗ trợ người nộp thuế
Một chuyên gia của Tổng cục Thuế cho rằng theo quy định, người nộp thuế phải tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số tiền thuế của mình, nhưng không ít cá nhân có nhiều khoản thu nhập, nhất là thu nhập vãng lai với mức nhỏ, sẽ rất khó quản lý.
Trong khi DN có nhân sự chuyên về tài chính, về kế toán và thuế, có điều kiện để lưu giữ chứng từ..., cá nhân phải tự lưu trữ chứng từ, hóa đơn cả năm để nộp khi quyết toán thuế là không nên.
"Trong 2 năm tới, VN sẽ gần như khai tử hóa đơn giấy để chuyển sang hóa đơn điện tử, việc giám sát doanh thu, chi phí và tiền thuế của người nộp thuế của cơ quan thuế đã khá tốt. Do đó, ngành thuế cần sớm đơn giản thủ tục, giảm giấy tờ để hỗ trợ người nộp thuế", vị này đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia thuế TNCN gợi ý rằng cơ quan thuế nên có cơ chế cho người nộp thuế tra cứu thu nhập dễ dàng nhằm giúp cho người có nhiều nguồn thu nhập thực hiện quyết toán thuế, nhưng ngành thuế cũng phải có biện pháp bảo mật như cách các ngân hàng làm để tránh bị lộ thông tin của người nộp thuế.
Ngoài ra, trên web của Tổng cục Thuế cũng nên cài đặt công cụ để người nộp thuế chỉ cần nhập thông tin thu nhập là có thể tính ra số thuế phải nộp, số thuế còn thiếu, tạo điều kiện cho người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ của mình.
Đặc biệt, cơ quan thuế cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thuế hơn nữa vì trên thực tế không phải đối tượng thu nhập cao, thu nhập nhiều nơi nào cũng am tường quy định về quyết toán thuế.
Thu nhập nào phải quyết toán thuế?
Sau thông tin nhiều giảng viên bị truy thu thuế, nhiều người làm công ăn lương có đầu tư thêm chứng khoán, bất động sản... cũng bày tỏ lo lắng trước nguy cơ bị truy thu thuế thu nhập cá nhân.
Trả lời về vấn đề này, cơ quan thuế cho biết theo quy định chỉ có duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công thì phải quyết toán thuế. Các loại thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng chứng khoán), quà biếu, quà tặng, nhượng quyền thương hiệu... không phải quyết toán thuế.
TTO - Nhiều người có thu nhập từ nhiều nơi bỗng bị cơ quan thuế gửi 'trát' truy thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhiều năm với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó gần một nửa là tiền phạt và chậm nộp.
Xem thêm: mth.84474503291110202-euht-pon-iougn-ohc-ohk-yad-gnud/nv.ertiout