Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 14 US cent xuống 44,20 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 8 US cent xuống 41,71 USD/thùng.
Khoảng chênh lệch giá dầu Brent (giữa các kỳ hạn) đã giảm mạnh (ở mức thấp nhất hơn 4 tháng) theo đó các kỳ hạn gần rẻ hơn so với kỳ hạn xa hơn, cho thấy thị trường hiện đang dư cung nhưng cũng chứng tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa giảm dần theo thời gian.
Bob Yawger, giám đốc mảng năng lượng của Mizuho ở New York, cho biết: "COVID chắc chắn gây sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, đối với dầu thô, đã xuất hiện khả năng OPEC sẽ hành động… Tôi cho rằng họ sẽ đi đến một thỏa thuận mới".
Số liệu chính thức công bố ngày 18/11 cho thấy, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng 768.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo là tăng 1,7 triệu thùng. Tồn trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu desel và dầu nóng, giảm 5,2 triệu thùng, cũng nhiều hơn mức ước tính.
Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu trong tương lai gia tăng khi số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã vượt 250.000, trong khi số ca nhiễm ở Nhật Bản và Nga mỗi ngày đều tăng mạnh, hôm sau cao hơn hôm trước. Với nỗ lực ngăn chặn đà lây lan này, Thành phố New York đã đóng cửa các trường công lập.
Bên cạnh đó, mối lo ngại về tình trạng dư cung có thêm một yếu tố nữa. Đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) và hãng Total của Pháp đã đàm phán xong kế hoạch nâng cao công suất và sản lượng lên mức cao nhất, theo đó Total sẽ mở rộng đầu tư ở Libya.
OPEC +, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và một số nhà sản xuất khác, sẽ thảo luận về chính sách tại cuộc họp diễn ra từ 30/11 đến 1/12. Nhóm này đang có xu hướng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng kể từ năm 2021.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cho biết nước Nga cam kết luôn đồng hành cùng OPEC, và thực tế thời gian qua đã là như thế.
Tham khảo: Reuters
Vân Chi
Tri thức trẻ
Xem thêm: nhc.54382418002110202-iom-uey-yus-yk-ioht-oav-eht-oc-om-uad-uac-uhn-iagn-ol/nv.zibefac