Phân bón Đạm Phú Mỹ phát triển thương hiệu để cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra xuất khẩu - Ảnh: NG.AN
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nguồn cung trong nước dồi dào, mùa vụ đang thời kỳ thấp điểm về nhu cầu thì các hợp đồng xuất khẩu là nỗ lực lớn.
Ông Cao Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo)
Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đang có những bước đi thận trọng khi xây dựng nhà máy sản xuất phân bón phức hợp, bởi thị trường phân bón NPK có năng lực sản xuất và dư cung tới 7 lần.
Bà Nguyễn Thị Hiền, phó tổng giám đốc, cho hay bất kỳ thương hiệu phân bón hàng đầu Việt Nam nào khi nhảy vào lĩnh vực phân bón phức hợp cũng phải mất từ 2-3 năm.
Thị trường dư cung, vẫn chi đầu tư sản phẩm mới
"Chúng tôi phải chắc chắn kiểm soát được mọi chỉ tiêu mới đưa ra lưu thông. Nếu không thận trọng thì phải trả giá rất nhiều cho thương hiệu của mình. Đến nay dù nhà máy đã chạy một số mẻ chất lượng tốt, có được dòng công thức cao cấp, các chỉ tiêu hàm lượng đều đạt, nhưng quan điểm của Đạm Cà Mau là với sản phẩm khó tính, cạnh tranh khốc liệt thì mình vẫn phải thận trọng, tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu" - bà Hiền nhấn mạnh việc đầu tư sản phẩm mới là để tạo sự khác biệt và lợi thế cho thương hiệu trên sân nhà.
Đầu tư lên tới 700 tỉ đồng cho nhà máy sản xuất phân bón phức hợp trong bối cảnh thị trường đang dư cung được xem là bước đi mạnh dạn với một doanh nghiệp phân bón chiếm tới 60% thị phần tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, theo bà Hiền thì vẫn có nhiều thách thức lớn đặt ra khi mà nguồn cung thị trường dư thừa, sản phẩm nội bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu và nạn phân bón giả.
Thực tế, để phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp phân bón nội như Đạm Cà Mau đã xây dựng hệ thống nhà phân phối, đại lý. Tuy vậy, tình trạng trà trộn phân bón kém chất lượng để bán cho người dân vẫn diễn ra ngay trong đại lý trực thuộc.
Với mức giá rẻ hơn từ 15-20 ngàn đồng/kg, lợi nhuận lớn, trong khi sản xuất phân kém chất lượng chỉ bị phạt hành chính. Vì vậy, để kiểm soát, doanh nghiệp phải có những biện pháp mạnh với đại lý như yêu cầu cam kết hoặc cắt hợp đồng khi phát hiện có phân bón kém chất lượng bị trà trộn.
Hướng ra xuất khẩu để phát triển thương hiệu
Mặc dù chiếm 40% thị phần sản phẩm phân đạm urê trên cả nước song theo ông Cao Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), việc giữ được thị phần là bài toán lớn đặt ra khi năm 2020 nhu cầu giảm tới 20 - 25%.
Nguồn cung hiện nay dư tới 500.000 - 600.000 tấn, lại thêm áp lực từ phân bón nhập khẩu có giá rẻ nên tiêu thụ hết sức khó khăn. Việc áp dụng quy định Luật thuế số 71 khiến phân bón là mặt hàng đang chịu thuế giá trị gia tăng 5% sang diện không chịu thuế, nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế, làm đội giá thành từ 6-7%.
Bởi vậy, xuất khẩu được xem là hướng đi để Đạm Phú Mỹ tăng thêm kênh tiêu thụ và xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Ông Kiên cho biết trong tháng 9, doanh nghiệp khai thác thị trường xuất khẩu được gần 60.000 tấn đạm urê, là năm có lượng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. "Trong bối cảnh dịch COVID-19, nguồn cung trong nước dồi dào, mùa vụ đang thời kỳ thấp điểm về nhu cầu thì các hợp đồng xuất khẩu là nỗ lực lớn" - ông Kiên nói.
Với Đạm Cà Mau, xuất khẩu cũng luôn là chiến lược trọng tâm để giữ vững thế "kiềng hai chân" nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đã xây dựng thương hiệu khá vững chắc ở thị trường gần là Campuchia với hệ thống phân phối, nhận diện thương hiệu bài bản, song việc thâm nhập vào các thị trường xa khó tính là bài toán không đơn giản.
Để giảm áp lực tồn kho, bà Hiền cho biết Đạm Cà Mau chấp nhận khai thác cả những thị trường khó tính mà "không doanh nghiệp nào màng đến" như Băngladesh, mua theo bao và yêu cầu vận chuyển nhanh tại cảng.
Hay thậm chí những đơn hàng theo chuyến, quy mô nhỏ chỉ vài chục ngàn tấn cũng được tận dụng triệt để. Bà Hiền kể có thời điểm xuất lô hàng trong điều kiện trời mưa, chỉ 60.000 tấn sang Ấn Độ nhưng phải chuyển hàng rất nhanh cho đối tác vì nếu neo tàu chậm có thể bị phạt tới 100.000 USD/ngày, mất hết lãi, nên doanh nghiệp phải dồn toàn lực để thực hiện đơn hàng. Hoặc có những đơn hàng nhỏ sang châu Phi, công ty chấp nhận đánh cược, thậm chí là rủi ro, để tìm cách xuất khẩu.
Tuy vậy, do giá thành sản xuất phân bón trong nước thường cao hơn các nước từ 15 - 20 USD/tấn, nên Đạm Cà Mau phải tối đa tiết giảm các chi phí khác để tối ưu hóa lợi nhuận.
Áp lực từ hàng ngoại và hàng giả
Theo các chuyên gia, các thương hiệu phân bón nội địa đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ với hàng nhập khẩu mà còn là nạn phân bón giả. Tuy vậy, sự phát triển của các thương hiệu phân bón Việt với quy mô ngày càng lớn, chiếm thị phần cao đã chứng tỏ được vị thế sản phẩm.
Phân bón là mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất sẽ giúp giảm giá đầu ra và nhờ thế người nông dân sẽ được lợi. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển sản phẩm phân bón nội địa, Nhà nước cần có các chính sách thuế, phí phù hợp để giảm chi phí, bảo vệ sản phẩm trước nạn phân bón giả.
TTO - Nhiều ‘ông lớn’ mảng phân bón lên chỉ tiêu kinh doanh 'lạc quan' với doanh thu năm 2020 tăng vài chục phần trăm so với năm trước. Đáng chú ý, chỉ mới nửa năm nhưng đã có doanh nghiệp hoàn thành 70% kế hoạch lãi sau thuế của nguyên năm.
Xem thêm: mth.69661830291110202-teiv-nob-nahp-auc-nahc-iah-id-eht/nv.ertiout