Ngày 20-11, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP Cần Thơ.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn, an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản .
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ĐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đứng trước các thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và các thảm họa thiên tai gây ra bởi thời tiết cực đoan làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt ở các đô thị, khu dân cư… ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Theo ông Phương, hiện nay, quy hoạch đã hình thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến báo cáo trình hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12-2020 và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 12-2020.
Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong khu vực về dự hội thảo để đóng góp ý kiến. Ảnh: NHẪN NAM
Nội dung Hội thảo sẽ bàn về bốn vấn đề lớn là nhận diện các vấn đề và đề xuất giải pháp đối với sụt lún đất đai tại vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển và kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh trong vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ĐBSCL trước các thách thức biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu, sụt lún đất và định hướng giải pháp thích ứng.
Theo Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ KH&ĐT, có năm quan điểm phát triển là phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, phát triển tập trung, tăng cường liên kết và phát triển hành lang kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Đáng chú ý là quan điểm tổng thể về phát triển vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo là ưu tiên cao nhất việc phát triển bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường. Trong đó cần duy trì vai trò của đồng bằng là nguồn sống cho môi trường và người dân sống ở đồng bằng.
Vùng ĐBSCL cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, coi vốn xã hội – con người là chìa khóa tăng trưởng kinh tế; Môi trường lành mạnh là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng; tiến bộ văn hóa, xã hội là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng của tăng trưởng.