Nhiều tập đoàn năng lượng của nhà nước đứng trước thách thức lớn trong triển khai các dự án - Ảnh: N.K
Thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tứoi năm 2030, tầm nhìn năm 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức sáng ngày 20-11.
Giai đoạn 2016 - 2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 25 dự án nguồn điện với tổng công suất là 17.068 MW, trong đó kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 phải hoàn thành 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.100 MW và khởi công 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.540 MW.
Mặc dù đến nay, 12 dự án nguồn điện đã cơ bản hoàn thành được 99,9% khối lượng công việc, nhưng vẫn còn các dự án chưa được khởi công như nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Ô Môn III, Ô Môn IV và các dự án thủy điện mở rộng như Ialy, Trị An…
Quy định, cơ chế còn chồng chéo
Theo đại diện của EVN, cùng với những vướng mắc về vốn là cơ chế chính sách còn hạn chế. Thực tế, thời gian hoàn thành thủ tục để được các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư kéo dài, với yêu cầu khắt khe, việc cấp giấy phép môi trường cho từng loại hình có nhiều nội dung chồng chéo. Ngoài ra là những khó khăn trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, quản lý và sử dụng đất đai, thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao làm chủ đầu tư 4 dự án nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gồm nhiệt điện Nha Dương II, Nhiệt điện Quỳnh Lập I, Nhiệt điện Cẩm Phả III, Nhiệt điện Hải Phòng III.
Tuy vậy, đại diện Tập đoàn này cho hay do chưa có sự đồng bộ và phân cấp thứ tự ưu tiên giữa quy hoạch điện với các quy hoạch địa phương, các quy hoạch ngành khác… nên khi triển khai đều bị xung đột quy hoạch.
Đơn cử, dự án nhiệt điện Cẩm Phả đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm tại phường Cẩm Thịnh (Cẩm Phả) nhưng tỉnh Quảng Ninh lại yêu cầu chuyển sang tỉnh khác do xung đột với quy hoạch tỉnh. Trong khi đó, việc thu xếp vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng nước ngoài không thu xếp khi không có bảo lãnh Chính phủ.
Ngành than cũng được giao nhiệm vụ chính là cấp đủ than cho điện, song theo đại diện TKV, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, các lỗ khoan thăm dò có chiều lâu lớn và phải khoan qua địa tầng phức tạp, diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu và đi xa… khiến giá thành tăng.
Vướng thủ tục, nhiều dự án khó hoàn thành tiến độ
Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong bối cảnh giá dầu suy giảm kéo dài thì các mỏ dầu hiện tại đang ngày càng cạn dần nên phải đẩy mạnh thăm dò tại các vùng biển ngoài khơi có độ sâu trên 1.000m. Tuy vậy, nguồn vốn để thực hiện tìm kiếm, thăm dò gặp khó do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí theo cơ chế mới đã kiến nghị chưa được phê duyệt.
Hiện Tập đoàn đã và đang tập trung phát triển các mỏ thuộc các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí là Lô, Cá Voi Xanh và đầu tư các lô, mỏ, song cũng gặp vướng mắc, trong đó dự án khí Lô B gặp khó từ khâu chuẩn bị đầu tư dự án các nhà máy nhiệt điện nên tiến độ dự kiến khai thác dòng khí đầu tiên trượt 2 năm, sang quý IV-2023 và có nguy cơ phải kéo sang năm 2024 nếu vướng mắc thủ tục đầu tư nhà máy nhiệt điện Ô Môn III không sớm được tháo gỡ.
Đối với chuỗi Cá Voi Xanh, vướng mắc lớn đặt ra là các cấp thẩm quyền chưa phê duyệt khối lượng khí, khối lượng bao tiêu cũng như tiến độ chính xác của nhà máy điện nên các cam kết bao tiêu chưa rõ ràng. Ngoài ra là các vấn đề liên quan đến đất đai, hành lang tuyến ống đi qua khu vực Cảng hàng không Chu Lai, dù các bên đang tích cực tháo gỡ song vẫn thách thức.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng đảm bảo tiến độ dự án tới năm 2030, cần tập trung giải quyết bài toán vốn trong đó sớm có hướng dẫn thực hiện đầu tư dự án theo hình thức công tư, các quy định về chia sẻ rủi ro trong hợp đồng mua bán điện.
Gắn với đó là việc giải quyết các cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, đấu thầu… hiện còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các luật, đặc biệt cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang triển khai và bị chậm tiến độ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết qua báo cáo cân đối cung - cầu điện cho thấy do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện, nên năm 2021 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong nhiều tình huống.