Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran thăm máy bay vận chuyển y tế ở sân bay Bron ngày 16-11 - Ảnh: AFP
Sau khi các hãng dược phẩm lần lượt công bố kết quả thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19, Pháp đã ráo riết tăng cường chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.
Thành lập các tổ công tác tiêm chủng
Theo báo Les Échos, chính phủ Pháp đã dành 1,5 tỉ euro trong ngân sách năm 2021 để mua vắc xin ngừa COVID-19, tổ chức hậu cần và bồi dưỡng cho những người tham gia phân phối, tiêm chủng và truy vết.
Chiến dịch tiêm chủng ở Pháp được dự kiến bắt đầu từ tháng 1-2021.
Thông qua các hợp đồng đặt mua trước vắc xin của Ủy ban châu Âu (EC), Pháp sẽ được cung cấp 90 triệu liều thuốc trong nửa đầu năm 2021, đủ để tiêm mỗi người hai mũi cho 45 triệu dân Pháp (3/4 dân số).
Cơ quan Y tế cấp cao (HAS) ở Pháp sẽ thông báo địa điểm và cách thức tiêm chủng.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Đoàn kết và Y tế Olivier Véran sẽ tuyên bố khởi động chiến dịch tiêm chủng đặc biệt quy mô lớn.
Tháng 10-2020, Bộ đã thành lập các tổ công tác gồm các y - bác sĩ phụ trách triển khai vắc xin ngừa COVID-19.
Địa điểm tiêm chủng có thể được thực hiện tại bệnh viện, trung tâm y tế hoặc trung tâm điều trị COVID-19.
Không loại trừ quân đội sẽ được điều động tham gia chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.
Bỉ đã chuẩn bị tủ đông bảo quản vắc xin của Pfizer/BioNTech - Ảnh: REUTERS
Bảo quản vắc xin như thế nào?
Nếu vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech là vắc xin đầu tiên được lưu hành trên thị trường, cần phải chuẩn bị trước tủ đông cực lạnh vì vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ -70°C.
Pfizer giải thích: "Chúng tôi đã thiết kế một thùng chứa đặc biệt sử dụng đá khô để duy trì các điều kiện bảo quản theo khuyến cáo trong suốt thời gian vận chuyển và tại các địa điểm tiêm chủng".
Hôm 12-11, Bộ trưởng Olivier Véran cho biết: "Chúng tôi đã mua 50 tủ đông siêu cấp cho phép bảo quản các sản phẩm y tế. Tủ có kết nối với hệ thống báo động được đặt tại các vị trí an toàn để các nhóm có thể cung cấp cho những người cần tiêm chủng. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn".
Có thể bảo quản vắc xin của Pfizer/BioNTech trong hai tuần trong một loại rương chứa tới 5.000 liều. BioNTech bảo đảm một khi đã lấy vắc xin ra khỏi tủ đông đặc biệt, có thể bảo quản vắc xin 5 ngày trong tủ lạnh.
Sân bay Frankfurt (Đức) chuẩn bị 20 container đông lạnh để bảo đảm vận chuyển vắc xin - Ảnh: LUFTHANSA CARGO
Diễn tập vận chuyển vắc xin
Các nước châu Âu như Bỉ, Đức đã chuẩn bị tủ cấp đông phù hợp. Một tủ đông siêu cấp có giá từ 6.000-12.000 euro.
Nếu vắc xin của Công ty Moderna được cấp giấy phép lưu hành, công tác phân phối vắc xin ít phức tạp hơn vì có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường với nhiệt độ từ 2°C đến 8°C.
Tuần tới, hãng hàng không Air France-KLM (Pháp-Hà Lan) sẽ tổ chức diễn tập vận chuyển vắc xin trên quy mô lớn ở sân bay Schipol (Amsterdam).
Ông Christophe Boucher - phó chủ tịch điều hành Air France Cargo nhận định "đây là thách thức lớn về mặt hậu cần" vì khối lượng vắc xin được phân phối rất lớn và yêu cầu phải có dây chuyền đông lạnh vắc xin.
Pháp đã từng gặp thất bại trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin H1N1 năm 2009 khi số vắc xin bị vứt trong thùng rác nhiều hơn số người được tiêm chủng.
Do đó lần này Pháp rút kinh nghiệm nên chuẩn bị rất chỉnh chu như người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal phát biểu trên đài France 2 hôm 17-11.
Tại Pháp, người trên 65 tuổi có thể là đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: ISTOCK
Ai được ưu tiêm tiêm vắc xin?
GS Daniel Floret - phó chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật về tiêm chủng (trực thuộc HAS) trao đổi với báo 20 Minutes: "Tất cả các nước phát triển chiến lược vắc xin ngừa COVID-19 đều nhắm đến các đối tượng ưu tiên tiêm chủng vì không thể sản xuất vắc xin cùng lúc mà phải sản xuất dần dần".
Do vậy vào cuối tháng 7-2020, Hội đồng Khoa học COVID-19 (Bộ Đoàn kết và Y tế) đã đề nghị các đối tượng ưu tiên sử dụng vắc xin. Đề nghị này còn phải được chính phủ thông qua.
Các đối tượng này gồm những người có nguy cơ phơi nhiễm virus trong nghề nghiệp như y bác sĩ trên tuyến đầu, những người thường xuyên tiếp xúc với công chúng hoặc trong môi trường dễ phơi nhiễm và những người dễ bị tổn thương về tuổi tác (người trên 65 tuổi) hoặc dễ tổn thương về sức khỏe (người dưới 65 tuổi mắc bệnh mãn tính và người béo phì).
Do vắc xin ngừa COVID-19 là vắc xin mới có thể gây tác dụng phụ nên Bộ Y tế xác định bác sĩ phải có mặt trong quá trình tiêm chủng.
Đối với những người dễ bị tổn thương không thể di chuyển, đã có phương án đến nhà tiêm chủng cho họ.
TTO - Các chuyên gia nói còn quá sớm để kỳ vọng những loại vắc xin COVID-19 đầu tiên sắp ra mắt sẽ chặn đứng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tại sao vậy?
Xem thêm: mth.1232056102110202-mek-not-gnoc-yk-es-91-divoc-nix-cav-art-iad-gnuhc-meit/nv.ertiout