Người dân vui chơi ở khu vực đi bộ quanh hồ Gươm - Ảnh: XUÂN LONG
Chiều 20-11, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết dự thảo nghị định hiện gồm 6 chương, 33 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Theo ông Tuấn, dự thảo có một số nội dung quy định đáng chú ý, còn nhiều ý kiến như biên chế một phường gồm bao nhiêu công chức; có cho phép ký hợp đồng làm công tác chuyên môn giải quyết các công việc mang tính chất có thời hạn, thời vụ, phù hợp thực tiễn; trưởng công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức UBND phường không...
Phát biểu tại hội nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ băn khoăn về hoạt động của UBND phường theo chế độ thủ trưởng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Chế độ thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không, nếu không quy định rõ thì không vận hành được, nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết" - ông Huệ nêu.
Ngoài ra, theo bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, vẫn còn những vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong khi đây lại là những vấn đề rất mới, rất khó.
Nêu cụ thể, bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng hiện nay việc đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, nhiều nhiệm vụ khác nếu không có sự hiện diện của công an phường thì không thực hiện được, trong khi theo mô hình mới nếu quy định UBND phường chỉ phối hợp chứ không chỉ đạo công an phường cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Ông Phạm Tuấn Long, chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nếu không giao cho công an phường chịu trách nhiệm địa bàn thì rất khó thực hiện, vì địa giới hành chính từng phường có đặc trưng riêng.
"Dù lực lượng công an thực hiện theo chỉ đạo từ ngành dọc rồi, nhưng phải có lãnh đạo công an trong đảng ủy phường thì mới tham gia chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được" - ông Long nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định trung bình 15 công chức một phường trong mô hình chính quyền đô thị, trong khi số lượng cán bộ, công chức phường ở Hà Nội hiện lớn hơn số này.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) nêu thực tế là phường loại 1, hiện có 23 biên chế nhưng đang quá tải công việc. Vì vậy, lãnh đạo phường này cho rằng nếu rút xuống còn 15 công chức, tức là ít người đi, công việc nhiều lên thì càng quá tải, không đáp ứng được công việc.
Bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cũng cho rằng cần linh hoạt trong quy định về đội ngũ công chức phường, không nên quy định "trung bình 15 công chức một phường" vì có phường lớn đông dân, có phường nhỏ ít dân.
Về nội dung này, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đồng ý không nên quy định mỗi phường bình quân 15 công chức, mà nên ghi từ bao nhiêu đến bao nhiêu để quận linh động điều động, sử dụng, bởi có những phường hiện nay chỉ 5.000 - 7.000 dân, trong khi có phường tới 40.000 dân.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết bộ phận soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chế độ thủ trưởng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và hoàn thiện thêm về nguyên tắc làm việc của UBND phường và chủ tịch UBND phường.
Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến về việc nên đưa công an vào cơ cấu tổ chức UBND phường để cùng thực hiện bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn, tất nhiên không phải là công chức của phường và ngành dọc vẫn chỉ đạo.
TTO - Hiện có ý kiến lo ngại về ‘lỗ hổng’ giám sát các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường khi không tổ chức HĐND cùng cấp. Song, theo nhiều chuyên gia, không thiếu cơ chế để giám sát, kiểm soát, vấn đề cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.
Xem thêm: mth.54302300202110202-naohk-nab-ueihn-y-pog-ueihn-ion-ah-iht-od-neyuq-hnihc-hnih-om/nv.ertiout