Ngày 20/11, đại diện ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP.Đà Nẵng xác nhận, đơn vị vừa cấp đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy cán thép Dana – Ý của công ty Cổ phần Thép Dana - Ý sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt.
Mục tiêu dự án sản xuất cán thép thanh và thép dây (không luyện) với quy mô 500.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 931,8 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý I/2020 và đưa vào hoạt động chính thức quý IV/2021.
Dự án đi vào hoạt động sẽ có doanh thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 300 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.
Trước đó, nhà máy Dana – Ý đóng tại khu công nghiệp Hoà Khánh với công suất 400.000 tấn 1 năm. Đến 2006, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu nhà máy này chuyển về khu công nghiệp Thanh Vinh.
Sau khi chuyển về đây, nhà máy thép bị người dân sống gần tụ tập, ngăn chặn, không cho hoạt động vì khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân trong khu vực không đảm bảo quy định, khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất thép ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Từ tháng 2/2018, nhà máy này bị buộc dừng hoạt động.
Nhà máy thép Dana – Ý đã nộp đơn khởi kiện UBND TP.Đà Nẵng, đòi bồi thường thiệt hại 400 tỷ đồng.
Chiều 20/11, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT công ty Dana – Ý cho biết, Công ty đã nhận được chủ trương của thành phố.
Địa điểm nhà máy mới được xây dựng tại đường số 3, khu công nghiệp Hoà Khánh. Tuy nhiên, đến nay, địa điểm này còn vướng mặt bằng, vẫn chưa được giải quyết.
Riêng về vụ kiện giữa Công ty và UBND TP.Đà Nẵng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nhà máy thép tại cụm công nghiệp Thanh Vinh, chính quyền TP.Đà Nẵng vẫn đang xem xét việc đền bù, hỗ trợ di dời.
Trước đó, Người Đưa Tin Pháp luật nhiều lần phản ánh, mâu thuẫn giữa nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc với người dân địa phương khiến người dân nhiều lần bao vây, yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng giải quyết chọn dân hay chọn nhà máy.
Từ đó, UBND TP.Đà Nẵng đã ra nhiều quyết định liên quan đến tạm dừng, cho hoạt động rồi tạm dừng hoạt động 2 nhà máy.
Chính quyền địa phương nhiều lần thay đổi chính sách với 2 nhà máy. Có lúc, chính quyền chấp nhận di dời dân, nhưng sau lại yêu cầu di dời nhà máy. Phía chính quyền thành phố cũng từng nhìn nhận cái sai trong việc quy hoạch bố trí 2 nhà máy thép.
Thanh tra của TP.Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra và đã có kết luận về sai phạm của chính quyền thời kỳ đó. Như việc, quy hoạch khu vực đó không được bố trí nhà máy thép, nhưng vẫn tham mưu bố trí nhà máy thép, gây ô nhiễm, tiếng ồn...