TS. Jacques Morisse là Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mai và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại WB và IFC, đồng thời cộng tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ông nhận xét gì về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay?
Liên quan đến triển vọng kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những dự báo tương đối lạc quan và tôi cho rằng Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt. Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua.
Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. Ngân hàng Thế giới kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2021.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Trong quá khứ, Việt Nam cũng đã được biết đến là một quốc gia sản xuất định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, kinh tế số của Việt Nam trước đó vẫn chưa được đánh giá cao, do việc ít kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua công nghệ số. Trong khi công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam trước đây được cho rằng chưa hiệu quả thì từ khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 diễn ra, 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển hướng sang áp dụng nền tảng số.
Đây là nguồn sức mạnh mới của Việt Nam, bởi không chỉ lực lượng tư nhân mà cả Chính phủ cũng rất tích cực trong công cuộc chuyển đổi số này, điển hình như việc xây dựng và áp dụng chính phủ điện tử. Tuy còn rất nhiều việc phải làm nhưng những nỗ lực trong thời gian qua đã chứng minh sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Vừa qua, hiệp định thương mại RCEP đã được ký kết, bao gồm 15 quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Sau gần 1 thập kỷ, với nhiều vòng đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết. Rõ ràng là các nước thành viên đã bỏ rất nhiều công sức, chi phí vào hiệp định RCEP này. Tôi tin rằng RCEP sẽ mang đến những lợi ích rất to lớn cho Việt Nam.
Nhìn chung, có hai lợi ích chính. Lợi ích đầu tiên chính là lợi ích về thuế. Tuy nhiên, những ưu đãi về thuế hiện nay không còn xa lạ với chúng ta nữa. Thực tế, Việt Nam đã có rất nhiều thỏa thuận về ưu đãi thuế với các quốc gia không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
Những ưu đãi về thuế lần này không quá mới mẻ như khi Việt Nam gia nhập WTO, hay Việt Nam lần đầu ký FTA. Nó cũng không như việc 10 năm trước, khi hạn ngạch thuế quan quá cao và Việt Nam rất cần một thỏa thuận để giảm thuế nữa. Hiệp định này theo tôi chỉ đơn giản là một cánh cửa mở ra cho thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, việc Việt Nam đóng vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP đã chứng tỏ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là tín hiệu tích cực rằng các quốc gia đều muốn hợp tác với Việt Nam. Điều này không phải là lợi ích trực tiếp như những ưu đãi về thuế quan nhưng nó cũng rất quan trọng bởi đây là minh chứng cho thấy Việt Nam là một thị trường rất mở, thích ứng nhanh chóng với xu hướng thương mại toàn cầu.
Việt Nam đang làm rất tốt vai trò của mình, đặc biệt trong việc đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ từ các thị trường nước ngoài.
Việt Nam luôn là quốc gia nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng là là 1 trong 15 nước thành viên của hiệp định RCEP. Vậy liệu hiệp định này có làm gia tăng sự phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc?
Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại đa phương, do vậy các lợi thế thương mại của Việt Nam sẽ được chia đều đối với thị trường các nước thành viên. Ngoài ra, Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang thị trường các quốc gia thành viên trong đó có Trung Quốc nhiều hơn, làm cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.
Theo tôi, hiệp định RCEP sẽ không khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Ngược lại, Hiệp định sẽ là chất xúc tác giúp thu hút nhiều FDI, thúc đẩy hoạt động M&A và sản xuất trên thị trường Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì để chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn?
Theo tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng tầm nhìn phát triển theo hướng bền vững thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10, 20 năm tới, tập trung vào công nghệ và bảo vệ môi trường. Nếu bạn nhìn vào những chính sách gần đây, hầu hết đều tập trung vào hai vấn đề này. Tôi cũng cho rằng Việt Nam có đủ nguồn lực nhưng điều đang thiếu chính là quyết tâm và động lực để thực hiện.
Liên quan đến môi trường, điều quan trọng đó là cần khuyến khích thay đổi trong hành vi. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam đang ngày càng nâng cao ý thức của mình trong việc bảo vệ môi trường. Đây là bước đầu tiên và cũng là tín hiệu đáng mừng.
Tiếp theo, để thay đổi hành vi thì sẽ liên quan đến các yếu tố về giá. Ví dụ như việc người dùng lãng phí nước một phần bởi vì giá nước vẫn đang còn rất rẻ. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam là hình mẫu trong việc trợ giá. Tuy nhiên, chúng ta cần điều chỉnh mức giá để vừa đảm bảo việc bảo vệ nhóm người dễ tổn thương, vừa có thể bảo vệ tài nguyên. Và cách duy nhất theo tôi đó là thay đổi biểu giá.
Tương tự như vậy, giá điện hiện nay cũng đang được trợ giá từ Chính phủ. Bởi vì giá điện đang quá rẻ nên người ta sẽ không còn e ngại việc lãng phí nguồn năng lượng nữa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể ban hành các luật pháp liên quan đến bảo vệ môi trường. Thực tế thì chúng ta có luật nhưng việc thực hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả. Lý do bởi vì chúng ta cần nhiều ví dụ, cần nhiều hành động hơn nữa để mọi người có thể thấy rõ và làm theo. Ví dụ như việc áp phí đối với các mặt hàng có hại cho môi trường.
Cuối cùng chính là yếu tố về thông tin. Không chỉ cung cấp những thông tin riêng lẻ mà chúng ta cần đưa ra theo cả quá trình. Đó cũng là phương pháp Việt Nam đã áp dụng khi ứng phó với dịch Covid-19. Mọi người đều biết được diễn biến của dịch bệnh nhờ vào thông tin minh bạch và kịp thời. Chúng ta có áp dụng cách thức này đối với việc bảo vệ môi trường.
Những kết quả vừa qua của Việt Nam thực sự rất đáng tự hào. Bản thân tôi không phải là người Việt, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào. Thậm chí chúng ta còn được truyền thông quốc tế đến và đưa tin về những thành tựu Việt Nam đạt được. Chính phủ đã làm rất tốt vai trò của mình và tôi tin rằng họ cũng sẽ làm được như vậy đối với môi trường. Bởi chúng ta đã chiến thắng Covid-19, vậy tại sao chúng ta không thể là nhà vô địch về phục hồi xanh?
Quang Lê
Nhịp sống kinh tế