Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 20-11 đã lên án cư dân mạng Trung Quốc vì đã phát tán “tin tức giả độc hại” cáo buộc phi công của chiếc tiêm kích F-16 bị mất tích đã đào tẩu sang Trung Quốc.
Đại tá Tường Chính Chí cất cánh từ căn cứ Hoa Liên vào tối 17-11 nhưng đã biến mất khỏi radar hai phút sau đó. Lực lượng tham gia tìm kiếm ở khu vực cách Hoa Liên chín hải lý về phía đông bắc Thái Bình Dương đã phát hiện tín hiệu từ hộp đen máy bay.
Tuy nhiên, các bức ảnh xuất hiện trên mạng cho thấy chiếc F-16 bay qua eo biển Đài Loan trước khi đáp xuống sân bay Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, theo hãng thông tấn Đài Loan CNA.
Đài Loan "trùm mền" toàn bộ đội bay F-16 sau vụ việc. Ảnh: CNN
Cư dân mạng Trung Quốc viết rằng viên phi công đã đào tẩu khỏi Đài Loan và mang theo chiếc máy bay do Mỹ chế tạo.
Theo trang tin Taiwan News, bà Thái và các quan chức cấp cao khác của chính quyền Đài Loan chỉ trích những thông tin trên, khẳng định chúng là “tin giả” được thiết kế để làm suy yếu tinh thần của lực lượng phòng vệ và công chúng hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ chờ “thống nhất” này.
Bà Thái nói rằng với tư cách là tổng tư lệnh, bà sẽ không dung thứ cho việc một sĩ quan mất tích bị lợi dụng để tuyên truyền chống lại lực lượng phòng vệ Đài Loan. Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho biết vợ của Đại tá Tường khẳng định chồng cô sẽ không bao giờ đào tẩu sang Trung Quốc do quân nhân này là một “anh hùng”.
Theo trang tin Focus Taiwan, trong cuộc họp báo hôm 18-11, Thượng tướng Hùng Hậu Cơ, tư lệnh lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan, cho rằng tiêm kích F-16 gặp nạn trên biển hôm 17-11 có thể do do phi công “mất phương hướng về không gian”.
“Hiện tượng máy bay đột ngột giảm độ cao tới 2.000 m diễn ra khi phi công bị mất phương hướng về không gian sau bay vào đám mây, do đó mất khả năng định hướng” – Thượng tướng Hùng nói.
Mất phương hướng trong không gian là tình trạng phi công không thể xác định chính xác độ cao hoặc tốc độ của máy bay đối với mặt đất hay các điểm quy chiếu khác. Các chuyên gia nhận định tình trạng này có thể xảy ra với mọi phi công, kể cả những người dày dặn kinh nghiệm nhất.
Tình trạng này được cho là nguyên nhân khiến tiêm kích F-35A của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), do Thiếu tá Akinori Hosomi điều khiển, lao xuống biển hồi tháng 6-2019.
JASDF khi đó cho biết không có dấu hiệu cho thấy tiêm kích của Thiếu tá Hosomi bị trục trặc kỹ thuật, ông cũng không tìm cách nhảy dù khi chiếc F-35 lao xuống biển với vận tốc gần 1.100 km/giờ.