Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã hứa với Chính phủ tổ chức thực hiện tổng thể thông xe an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước tháng 1-2021 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Cụ thể, qua cuộc họp, Thường trực Chính phủ đánh giá một số nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện khiến dự án chậm trễ, đến nay vẫn chưa hoàn thành như: khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hệ thống quy định pháp luật còn bất cập, chủ đầu tư và tổng thầu (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, triển khai đường sắt đô thị.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng khắc phục, rút kinh nghiệm nghiêm túc và rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án của ngành giao thông vận tải trong thời gian tới.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương yêu cầu tổng thầu, tư vấn huy động đủ chuyên gia theo đúng kế hoạch để hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Hiện nay, Chính phủ đã có chính sách cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với yêu cầu tuân thủ đúng quy định về bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.
Các cơ quan không được lấy lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 để trì hoãn chậm đưa dự án vào hoạt động. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã hứa tổ chức thực hiện tổng thể thông xe an toàn trước tháng 1-2021.
Thủ tướng nhấn mạnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhân dân thủ đô Hà Nội chờ đợi. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo sớm đưa dự án vào hoạt động.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện, nhất là những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các bên liên quan, khả năng và giải pháp xử lý đối với các vấn đề đặt ra của dự án.
Việc xử lý những vướng mắc để sớm đưa dự án vào khai thác, hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả lâu dài, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối phải đặt lên hàng đầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực, các bộ, ngành hợp tác, tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.
Thông báo kết luận của Thủ tướng cho biết: theo ý kiến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo tại hội nghị, sẽ chỉ đạo bàn giao dự án trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo an toàn.
Về công tác nghiệm thu, Bộ Xây dựng cần thống nhất chủ đầu tư thực hiện nghiệm thu có điều kiện để đưa công trình vào sử dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và bảo đảm công trình đủ điều kiện khai thác an toàn. Chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có ý kiến chính thức.
Theo Bộ Giao thông vận tải, khối lượng xây lắp và thiết bị của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành (nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị, trong đó ghi nhận một số tồn tại để khắc phục hoàn thiện).
Nhiệm vụ chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu các hạng mục công trình thành phần, tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống trước khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra.
Dự kiến trong tuần đầu tháng 12-2020, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày.
TTO - Các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung quan tâm tháo gỡ và lưu ý việc đầu tư vay vốn, lựa chọn chỉ định thầu.