Sáng 21-11, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 gồm ĐB Nguyễn Thiện Nhân, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm và ĐB Trịnh Ngọc Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Đoàn ĐBQH đơn vị 7 gồm ĐB Nguyễn Thiện Nhân, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm và ĐB Trịnh Ngọc Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: THANH TUYỀN
Tại đây, đông đảo cử tri bày tỏ ý kiến về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Chính quyền đô thị TP.HCM và việc thành lập TP Thủ Đức trong thời gian tới.
Nhiều cử tri cũng đánh giá chất lượng của kỳ họp Quốc hội vừa qua, bày tỏ niềm tin trước những tín hiệu đáng mừng của kỳ họp. Cử tri cho rằng, kỳ họp Quốc hội lần này đã chuyển từ một Quốc hội tham luận sang tranh luận.
Băn khoăn về quyền dân chủ
Ông Lương Minh Thuận, cử tri phường Trường Thạnh cho rằng, cần phải quan tâm hơn đến vấn đề giao thông đường bộ sau khi thành lập TP Thủ Đức vì mặt bằng chung cả ba quận hiện nay, nhiều tuyến đường bị xuống cấp nặng, kẹt xe kéo dài, hệ thống cầu cống cũng kém chất lượng.
Cử tri mong rằng hạ tầng đô thị ở TP Thủ Đức phải được quy hoạch hoàn chỉnh, không bị chậm trễ, kéo dài. “Chứ như hiện nay tôi thấy có mỗi việc xây cầu Tăng Long mà đã hai năm vẫn chưa thấy xong”, ông nói.
Về công tác cán bộ của TP Thủ Đức, cử tri Thuận mong sẽ có nhiều hơn những cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết, có trách nhiệm với công việc. Những ai có thể giúp được việc cho dân thì sẽ có thêm cơ hội để ở lại chứ không câu nệ người này, người kia.
Cử tri Đặng Thị Hà rất tâm đắc với đề án thành lập TP Thủ Đức. Bà bày tỏ mong muốn là công tác cán bộ phải có tâm, có tầm, có tài để khi giải quyết thủ tục cho dân phải nhanh hơn.
Cử tri trình bày ý kiến về Nghị quyết Chính quyền đô thị và thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Cử tri Hà cũng bày tỏ băn khoăn khi việc cắt giảm bớt số cán bộ, công chức, viên chức thì việc giải quyết thủ tục hành chính có nhanh hay không, dù việc giảm cán bộ sẽ giúp TP tiết kiệm ngân sách.
Cử tri cũng cho rằng việc bỏ HĐND cấp quận, phường, sẽ tạo áp lực rất lớn cho mặt trận tổ quốc phường, xã. Bà đề nghị chính quyền cần có biện pháp hỗ trợ để các mặt trận cấp cơ sở có đủ trình độ giải quyết nhanh các nhiệm vụ.
Cử tri Nguyễn Thị Tâm góp thêm ý kiến là cần phải giám sát việc quản lý đất công ở cả ba quận. Theo bà, việc thành lập TP Thủ Đức khiến cho giá nhà đất tăng mạnh, nếu không có sự quản lý, quy hoạch rõ ràng thì rất dễ dẫn đến các sai phạm, tranh chấp. Cử tri cho rằng khi lên thành phố, dân cư sẽ ngày càng đông hơn. Từ đó, bà đặt ra các vấn đề về số lượng trường học, bệnh viện, giao thông, hạ tầng đáp ứng cho người dân.
Bà Tâm dẫn chứng hiện nay, nhiều lớp học sĩ số đã lên đến 50 em/lớp, nếu dân tăng nhanh, sĩ số có thể tăng nữa. Vì thế, đề nghị chính quyền cần có chính sách phù hợp để việc thành lập TP Thủ Đức đảm bảo đúng tiêu chuẩn đặt ra.
Nói về Nghị quyết chính quyền đô thị TP.HCM, cử tri Phạm Thị Hiền Nhi bày tỏ sự phấn khởi vì giảm đi các tầng nấc khi người dân có ý kiến.
Tuy nhiên, cử tri cũng băn khoăn liệu việc bỏ HĐND quận, phường thì sự kết nối với người dân có còn gần gũi hơn được hay không. Theo cử tri, dù sao thì HĐND cấp quận, phường vẫn sẽ sát sao hơn với đời sống dân địa phương, người dân cũng sẽ dễ dàng bộc bạch hơn.
“TP Thủ Đức sẽ là nơi có hạ tầng giao thông tốt nhất TP”
Về những mối quan tâm xung quanh cơ sở hạ tầng của TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, đầu tư hạ tầng của TP Thủ Đức sẽ không theo quy hoạch cũ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM thông tin về quy hoạch hạ tầng của TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
Ông thông tin, TP có tổ chức thi tuyển quốc tế quy hoạch vùng ba quận thành KĐT Sáng tạo tương tác cao, trong đó hệ thống giao thông sẽ được rà soát lại, có cập nhật để trở thành nơi có giao thông thuận tiện nhất TP.
“Tinh thần là TP Thủ Đức sẽ là nơi có hạ tầng giao thông tốt nhất TP, dựa trên quy hoạch mới được phê duyệt và được nhà nước đầu tư. Bà con hãy tin tưởng rằng TP mới là TP mẫu mực hơn, có những đoạn đường sẽ thử nghiệm xe không người lái...” - ông Nhân nói.
Trưởng đoàn ĐBQH cũng thông tin, ngày 10-12 thường vụ QH sẽ họp và có Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức. Hiện, đề án đang được thực hiện hoàn chỉnh hơn, có kế hoạch từng bước để đến ngày 23-5-2021 bầu cử xong thì đến 1-7-2021 sẽ có HĐND của TP Thủ Đức.
Quyền dân chủ vẫn được phát huy
Trả lời băn khoăn của cử tri về việc bỏ HĐND cấp quận, phường liệu có ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân hay không, Trưởng đoàn ĐBQH giải thích: khi đề án chính quyền đô thị được thực hiện sẽ giảm bớt các bước trong việc tổ chức, thực hiện các quyết định của TP, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ hơn, không mất quá nhiều thời gian.
Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói về việc đảm bảo dân chủ khi thực hiện chính quyền đô thị. Ảnh: THANH TUYỀN
Theo đó, một quyết định được TP giao xuống, được HĐND TP thông thì các quận phải tổ chức, triển khai ngay mà không cần thông qua cấp HĐND quận, phường nữa như trước nữa. Chủ tịch UBND quận, phường do Chủ tịch UBND TP quyết định bổ nhiệm. Chủ tịch TP cũng có quyền bãi nhiễm Chủ tịch quận ở thời điểm cần thiết chứ không chờ họp HĐND hay phải lấy ý kiến cấp quận nữa.
“Như vậy thì việc quản lý cán bộ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Áp lực trách nhiệm của Chủ tịch quận, phường cũng lớn hơn, họ sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp chứ không phải hỏi tập thể nhiều như trước nữa”- ông Nhân nói.
Về cơ chế lắng nghe ý kiến người dân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết thành phố đã thí điểm mô hình này từ năm 2009 đến 2016. Ông đánh giá cao hiệu quả của hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh. Hiện, TP có 4 kênh thông tin tiếp nhận để phản ánh gồm: tin phản ánh trực tiếp từ người dân, thông qua báo chí, qua đơn khiếu nại, tố giác của dân và qua công tác giám sát chủ động.
Cụ thể, trong 33 tháng thực hiện, TP tiếp nhận hơn 8000 ý kiến của người dân, bình quân mỗi ngày nhận 266 tin phản ánh; mỗi tháng kỷ luật 10 Đảng viên, 11 cán bộ công chức từ thông tin của người dân.
Ông thông tin Quốc hội đã có nghị quyết cho phép TP.HCM tăng số đại biểu chuyên trách lên 19 người. Bên cạnh đó, các chương trình giám sát của HĐND TP sẽ phân cho từng quận, phường để các đại biểu trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát.
HĐND TP.HCM cũng sẽ kết hợp với Mặt trận để giám sát, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của người dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nói đến việc giảm bớt cán bộ công chức. Theo ông, đây cũng là dịp chọn lọc kĩ cán bộ, để làm sao bộ máy chính quyền TP sẽ mạnh và hoạt động hiệu quả hơn, phát huy được dân chủ và ý kiến của cấp cơ sở.