vĐồng tin tức tài chính 365

Mobile money - nhiều cơ hội, không ít thách thức

2020-11-21 15:30

Mobile money - nhiều cơ hội, không ít thách thức

Lưu Minh Sang (*)

(TBKTSG) - Tiền di động (mobile money) đóng góp tích cực vào việc phổ cập tài chính và mục tiêu tài chính toàn diện. Tuy nhiên, mobile money cũng tạo nên những thách thức không nhỏ liên quan đến việc bảo vệ tiền của khách hàng và phòng ngừa rủi ro gian lận, rửa tiền để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính.

Kinh nghiệm của Philippines là phân chia hạn mức giao dịch dựa trên ba cấp độ rủi ro. Theo đó, khách hàng có rủi ro thấp sẽ được phép giao dịch với hạn mức cao hơn và sử dụng nhiều tiện ích kèm theo hơn, nhưng không vượt quá một hạn mức chung là 50.000 peso/ngày và 100.000 peso/tháng.

Bảo vệ tiền của khách hàng

Hai yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của mobile money là tính tiện nghi và an toàn, trong đó tính tiện nghi thúc đẩy khách hàng tiếp cận dịch vụ và tính an toàn giữ chân khách hàng sử dụng dịch vụ lâu dài.

Mobile money thực chất là một dạng tiền điện tử được lưu giữ trên tài khoản thuê bao di động và không cần gắn với tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với khách hàng là tiền của họ được bảo vệ như thế nào bởi nhà cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp, nhà cung cấp bị phá sản thì số tiền này được giải quyết ra sao?

Các rủi ro gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua mobile money tác động trực tiếp đến tính toàn vẹn của hệ thống tài chính cũng là vấn đề không thể xem nhẹ.

Hầu hết các nước khi triển khai mobile money đều có hàng loạt quy định để bảo vệ tốt nhất tiền của khách hàng. Đầu tiên là nhận diện bản chất quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng là quan hệ ủy thác - nhà cung cấp thay mặt khách hàng giữ tiền và thực hiện các dịch vụ thanh toán theo yêu cầu.

Vì vậy, về khung pháp lý, đa phần các nước đều hướng đến ba nhóm quy định sau để bảo vệ tiền của khách hàng trước những rủi ro từ chính nhà cung cấp dịch vụ:

Thứ nhất, buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải duy trì các tài sản lưu động, có tính thanh khoản cao với giá trị tương đương tổng số tiền trên tài khoản mobile money của tất cả khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào. Tùy thuộc vào giai đoạn triển khai và bối cảnh thị trường, các nước có thể quy định khác nhau.

Tại Kenya, Philippines, nhà cung cấp dịch vụ phải duy trì các khoản tiền không có sự cản trở về tính thanh khoản dưới dạng khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc các loại tài sản có tính thanh khoản cao, rủi ro thấp do ngân hàng trung ương quy định.

Hay tại Cộng hòa Congo, Afghanistan thì nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo duy trì số dư trong tài khoản ngân hàng được bảo vệ bởi một “hàng rào khoanh vùng” (ring-fence) tương đương với tổng giá trị mobile money đã phát hành. Một số nước còn yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải mua bảo hiểm để đảm bảo chi trả đầy đủ cho khách hàng nếu có bất kỳ rủi ro xảy ra ảnh hưởng đến tiền của khách hàng.

Thứ hai, nhà cung cấp dịch vụ chỉ là trung gian thanh toán, không phải là một trung gian tài chính nên không được sử dụng khoản tiền tương ứng giá trị trên các tài khoản mobile money để cấp tín dụng hay đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Điều này hạn chế rủi ro thất bại của nhà cung cấp dịch vụ.

Thứ ba, tiền của khách hàng phải được quản lý tách bạch với tài sản của nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, số tiền này đơn thuần chỉ là tài sản tín thác mà nhà cung cấp nắm giữ và quản lý trên cơ sở thỏa thuận ủy thác, không thuộc tài sản của nhà cung cấp. Vì vậy, nếu nhà cung cấp thất bại trong kinh doanh dẫn đến phá sản, tiền của khách hàng sẽ được bảo vệ trước mọi hành động của các chủ nợ.

Thực tiễn tại các khu vực pháp lý nơi các nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép triển khai dịch vụ mobile money cho thấy các quy định trên phát huy hiệu quả rất tốt trong việc bảo vệ tiền của khách hàng và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng về tính thanh khoản gắn liền với mobile money.

Bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính

Một hệ thống tài chính phát triển lành mạnh và bền vững cần phải đạt được mục tiêu kép: tính toàn diện và tính toàn vẹn. Bên cạnh khả năng phổ cập tài chính để góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện thì các rủi ro gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố (gọi tắt là RT/TTKB) thông qua mobile money tác động trực tiếp đến tính toàn vẹn của hệ thống tài chính cũng là vấn đề không thể xem nhẹ.

Chính điều này dẫn đến thực trạng là trong nhiều trường hợp, hai mục tiêu này lại mâu thuẫn nhau và việc tìm ra điểm cân bằng cho cả hai là một thách thức đối với các cơ quan quản lý.

Một thực tế cần phải thừa nhận là phương thức thanh toán nào cũng tồn tại những lỗ hổng về RT/TTKB. So với tiền mặt, thanh toán di động nói chung và tiền di động nói riêng mặc dù có nguy cơ thấp hơn nhưng không đồng nghĩa là đạt ngưỡng an toàn.

Theo Ngân hàng Thế giới, nguy cơ RT/TTKB đối với các dịch vụ thanh toán di động nói chung xuất phát từ bốn lỗ hổng: (i) tính ẩn danh; (ii) khó kiểm soát; (iii) thiếu giám sát; (iv) tốc độ nhanh. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ RT/TTKB đối với tiền di động, khung pháp lý cần phải tính toán đến giải pháp lấp các lỗ hổng này.

Giải pháp của các nước là thiết lập hệ thống các quy định tập trung vào bốn khía cạnh: (i) định danh khách hàng; (ii) hạn mức giao dịch; (iii) kiểm soát giao dịch đáng ngờ; (iv) lưu trữ thông tin khách hàng.

Quy định về định danh khách hàng (KYC) sẽ quyết định đến tính ẩn danh trong giao dịch thanh toán và ảnh hưởng lớn nhất đến nguy cơ RT/TTKB. Bài toán khó đối với mobile money trong quy định về KYC là làm sao đảm bảo được tính tiện lợi, nhanh chóng trong việc tiếp cận dịch vụ của người dân nhưng không tạo nên tính ẩn danh khi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Giải pháp khả dĩ nhất là nhà cung cấp sẽ dựa trên dữ liệu thuê bao di động khi khách hàng đăng ký dịch vụ viễn thông để KYC. Theo đó, khách hàng chỉ cần quay số điện thoại hoặc nhắn tin cho nhà cung cấp là có thể mở tài khoản mobile money. Tuy nhiên điều này chỉ có thể tiến hành nếu như có một hệ thống dữ liệu thông tin thuê bao di động hoàn chỉnh. Ngược lại, sẽ là một thách thức lớn đối với các quốc gia thả lỏng việc đăng ký thuê bao di động, quản lý kém hiệu quả hệ thống thông tin thuê bao và tồn tại phổ biến tình trạng sim rác.

Kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, quy định về KYC nghiêm ngặt sẽ là lực cản lớn đến sự phát triển và phổ biến mobile money vào trong dân. Mobile money tại nước này chỉ thật sự phát triển khi những quy định về KYC được thiết kế phù hợp với mức độ rủi ro.

Để giải quyết bài toán về KYC, các nước như Kenya, Philippines, Indonesia, Fiji hay Sri Lanka cung cấp một số kinh nghiệm, theo đó mức độ chặt chẽ đối với KYC sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro. Khách hàng có nhu cầu giao dịch với số tiền càng cao và tần suất càng nhiều thì KYC được yêu cầu chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro RT/TTKB, các nước đưa ra hạn mức giao dịch và tiêu chí nhận diện giao dịch đáng ngờ để kiểm soát các giao dịch này. Quy định về hạn mức giao dịch có thể là: giới hạn số tiền tối đa cho mỗi giao dịch; số tiền có thể gửi và nhận mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm; và (hoặc) số dư tối đa trên tài khoản tại bất kỳ thời điểm nào.

Kinh nghiệm của Philippines là phân chia hạn mức giao dịch dựa trên ba cấp độ rủi ro: (i) chưa xác định (non-verified) - rủi ro cao nhất; (ii) xác minh một phần (semi verified); (iii) xác minh đầy đủ (fully verified) - rủi ro thấp nhất. Theo đó, khách hàng có rủi ro thấp sẽ được phép giao dịch với hạn mức cao hơn và sử dụng nhiều tiện ích kèm theo hơn, nhưng không vượt quá một hạn mức chung là 50.000 peso/ngày và 100.000 peso/tháng.

Ngoài ra, việc đưa ra các tiêu chí nhận diện giao dịch đáng ngờ và yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát tất cả các giao dịch, đặc biệt là giao dịch đáng ngờ cũng như quy định về lưu trữ thông tin giao dịch cũng sẽ góp phần khắc phục các lỗ hổng dẫn đến nguy cơ RT/TTKB khi triển khai mobile money.

Tựu chung, việc triển khai mobile money mang lại nhiều cơ hội nhưng kèm theo không ít thách thức. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy mặt lợi của mobile money nhiều hơn những tác động tiêu cực mà dịch vụ này mang lại với điều kiện phải có khung pháp lý linh hoạt. Cơ chế quản lý mobile money cần sự đối thoại giữa cơ quan quản lý, nhà cung cấp, khách hàng và thị trường để tinh chỉnh khung pháp lý phù hợp với bối cảnh thị trường cũng như yêu cầu của từng giai đoạn phát triển mobile money.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Xem thêm: lmth.cuht-hcaht-ti-gnohk-ioh-oc-ueihn--yenom-elibom/177013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Mobile money - nhiều cơ hội, không ít thách thức”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools