Với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh và chính phủ Mỹ được dự báo là sẽ có cuộc chuyển giao quyền lực không mấy suôn sẻ, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán được dự báo là sẽ có thái độ thận trọng hơn đáng kể so với thời kỳ trước. Tuy nhiên thực tế diễn ra lại không phải như vậy.
Trong xu hướng vươn tới kịch bản trở thành 1 tháng lịch sử đối với chứng khoán, các quỹ ETF tập trung vào cổ phiếu Mỹ đã ghi nhận kỷ lục mới khi thu hút được gần 53 tỷ USD tiền mặt trong tháng 11. Các quỹ tương hỗ dài hạn cũng chứng kiến làn sóng lạc quan tương tự với dòng tiền ồ ạt chảy vào.
Tháng 11 sẽ là tháng tăng điểm mạnh thứ 4 trong vòng 20 năm trở lại đây của chỉ số S&P 500. Tuần thứ hai liên tiếp, chỉ số Russell 2000 đã đánh bại chỉ số công nghệ Nasdaq 100 bất chấp số ca nhập viện vì Covid-19 tăng vọt và triển vọng các chương trình cho vay của Fed cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế vẫn rất mờ mịt.
Tuy nhiên triển vọng chưa rõ ràng của nền kinh tế lại được các nhà đầu tư nhìn nhận là 1 cơ hội để "bắt đáy" trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, theo nhận xét của JPMorgan Asset Management.
"Điều đó có nghĩa là khi tin xấu xuất hiện thì các lực điều chỉnh sẽ dễ dàng bị triệt tiêu bởi dòng tiền mặt quá mạnh", theo Gabriela Santos, chiến lược gia của JPMorgan Asset Management. "Đặc biệt những ngành thiệt hại nhiều nhất, những lĩnh vực nhạy cảm với diễn biến kinh tế vĩ mô lại được hỗ trợ mạnh nhất".
Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nếu nhìn vào núi tiền mặt khổng lồ vẫn đang được để ở các quỹ thị trường tiền tệ. Trong giai đoạn từ tháng 2 đến cuối tháng 5, khi bệnh dịch khiến thị trường chứng khoán lao dốc, gần 1.000 tỷ USD đã đổ vào các quỹ này, đẩy số lượng tài sản trong tay các quỹ lên mức kỷ lục 4.800 tỷ USD. Dù ở thời điểm hiện tại con số đã giảm xuống còn gần 4.300 tỷ USD, đây vẫn là mức cao hơn rất nhiều so với trước dịch.
Giờ đây, với triển vọng thế giới có vaccine chống Covid-19 đang đến rất gần, giới phân tích dự đoán số tiền mặt đang neo trong các quỹ thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục được bơm ra thị trường chứng khoán. Kể từ đầu tháng đến nay, S&P 500 đã tăng 8,8%, hướng tới tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 4. Chỉ số Russell 2000 tăng 16%, cũng là tháng tốt nhất kể từ tháng 4.
Tất nhiên, niềm lạc quan này có thể nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi bức tranh dịch bệnh u ám. Tỷ lệ các bệnh viện Mỹ dự báo bị thiếu nhân sự quan trọng trong 7 ngày tới đã tăng lên mức kỷ lục, và số người Mỹ phải nhập viện vì Covid-19 cũng tăng gấp đôi kể từ ngày Labor Day (7/9). Những con số như vậy cũng đủ để khiến chỉ số S&P 500 giảm điểm trong phiên hôm qua và giảm tổng cộng 0,8% trong tuần này.
Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại JonesTrading, nhận định: "Lại một tuần nữa trôi qua với nhiều tin tức tiêu cực, và từ nay đến cuối năm mọi người lại phòng thủ nhiều hơn, đặc biệt khi các bang tiếp tục đóng cửa như hiện nay. Nếu số ca nhập viện không giảm xuống vào tuần đầu tiên của tháng 12, các nhà đầu tư đã lạc quan trước các thông tin về vaccine có thể sẽ suy nghĩ lại".
Nhưng những lo ngại này cũng không thể làm nản lòng những kẻ đầu cơ. Các quỹ đầu cơ – đặt cược vào cả 2 kịch bản giá lên và giá xuống – đang tỏ ra liều lĩnh hơn. Sau nhiều tháng để tiền nằm im trong các quỹ thị trường tiền tệ và gần như không sinh ra chút lợi suất nào, các nhà đầu tư cần phải hành động.
Tham khảo Bloomberg