Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Việt Nam và Mỹ ngày càng hợp tác sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại song phương tăng gần 170 lần lên hơn 75 tỷ USD năm 2019. Bước sang năm 2020, quan hệ hai nước đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và yếu tố chính trị đặc biệt khi nước Mỹ trải qua cuộc bầu cử tổng thống với những diễn biến chưa từng thấy trong lịch sử.
Năm nay, hơn nửa tháng kể từ thời điểm bầu cử toàn quốc 3/11, Ủy ban bầu cử Mỹ vẫn chưa thể công bố người đắc cử tổng thống mặc dù lợi thế đã nghiêng hẳn về ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ngày 7/11, ông Biden được báo chí Mỹ xướng tên là "tổng thống đắc cử" theo thông lệ từ trước tới nay, dù đây là chức danh chưa chính thức.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm thời điểm này là, khi lên nắm quyền, ông Joe Biden sẽ đưa ra những thay đổi như thế nào trong chính sách đối ngoại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014 – 2018, dù ai trở thành tổng thống, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ vẫn sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực.
NHIỀU CƠ SỞ ĐỂ THẮT CHẶT QUAN HỆ SONG PHƯƠNG
"Trải qua 25 năm, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã đi từ thấp đến cao và qua các thời kỳ tổng thống của cả hai đảng khác nhau. Trong suốt thời gian này, quan hệ song phương Việt - Mỹ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét.
Sự hợp tác trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bất chấp những khác biệt về chính trị và trên cơ sở mang lại lợi ích cho cả hai bên là chủ trương được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Bên cạnh đó, cơ sở lợi ích trong quan hệ song phương hai ngước ngày càng được nhân lên.
Tuy nhiên, càng hợp tác mạnh mẽ hơn thì càng nảy sinh những cọ xát. Với ưu tiên mới của mỗi chính quyền, những cọ xát này sẽ lại khác đi. Theo ông Phạm Quang Vinh, với chính quyền của ông Biden, bên cạnh những điểm tương đồng về chủ trương đa phương, các ưu tiên mới cũng sẽ nảy sinh cọ xát trong quan hệ song phương. Dù vậy, thời gian qua Việt Nam và Mỹ vẫn quản trị tốt những điểm khác biệt đó.
"Quan hệ Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ sở phát triển mạnh hơn. Và nếu Việt Nam kết hợp được các cơ sở trong quan hệ song phương với vị trí và vai trò địa chiến lược của mình thì tương tác với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, sẽ càng tốt hơn", ông Phạm Quang Vinh nhận xét. "Điều quan trọng nhất là giữ được nền tảng mối quan hệ, tiếp cận ngay với chính quyền mới và quản trị tốt sự khác biệt. Thời gian qua, Việt Nam đã quản trị rất tốt sự khác, đặc biệt trong vấn đề thâm hụt thương mại".
Hơn nữa, quan hệ Việt Nam - Mỹ không chỉ ở tầm song phương mà còn là mối quan hệ tầm khu vực. Với chiến lược coi trọng các cơ chế đa phương của ông Joe Biden, như APEC, ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam - Mỹ chắc chắn sẽ càng được tăng cường hơn nữa thời gian tới.
Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá sẽ tiếp tục là trọng điểm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dù ai trở thành tổng thống. Đây không chỉ là khu vực động lực của thế giới mà còn là khu vực cạnh tranh địa chiến lược mang tính quyết định của các nước lớn.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách về khung chính sách, cơ sở hạ tầng, nhân lực... để môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn. Việc Việt Nam tham gia tích cực vào các khu vực mậu dịch tự do chất lượng cao như EVFTA hay CPTPP được đánh giá là động lực mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách này.
"Việt Nam phải luôn tự làm mới mình, hướng tới các tiêu chuẩn chất lượng cao để tranh thủ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn", Đại sứ Phạm Quang Vinh khuyến nghị. "Bên cạnh đó, hai bên cũng phải cùng nhau trao đổi, cập nhật các khung chính sách thương mại để phù hợp với tình hình mới và tạo hành lang thúc đẩy quan hệ song phương thuận lợi hơn nữa".
Về vấn đề biển Đông, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định thời gian qua, những thay đổi trong quan điểm của Mỹ về biển Đông đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng và chắc chắn sẽ được kế thừa dưới chính quyền của ông Biden.
"Đó là nhấn mạnh hơn luật pháp quốc tế, bác bỏ một cách rõ ràng hơn yêu sách, đòi hỏi chủ quyền phi lý về đường lưỡi bò của Trung Quốc trên vùng biển Đông", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
NƯỚC MỸ DƯỚI THỜI ÔNG JOE BIDEN CÓ TRỞ LẠI CPTPP?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kết nối 11 nền kinh tế bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định từng được đánh giá là một "kỳ tích" này đã được ký kết và có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 mà không có Mỹ, vì ông Trump quyết định rút nước này khỏi hiệp định ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017.
Khi ông Joe Biden được truyền thông Mỹ dự báo thắng cử tổng thống năm nay, nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh khả năng Mỹ sẽ trở lại hiệp định đại diện cho hơn 13% GDP toàn cầu này, đặc biệt sau khi Trung Quốc cùng 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vừa ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - RCEP.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, TPP trước đây vốn "không sống nổi" trong lòng nước Mỹ.
"Quan sát nội bộ nước Mỹ năm 2016, dường như cả hai đảng của Mỹ đều không chấp nhận TPP, dù là bà Hillary Clinton hay ông Trump thắng cử. Những người trong cuộc tại Mỹ thời điểm đó đã "lắc đầu" khi nói về TPP rồi", nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018 cho biết. "Hiện tại, với chính sách coi trọng đối tác, đồng minh và chủ nghĩa đa phương, ông Joe Biden chắc chắn sẽ tập trung vào kết nối địa chiến lược và địa kinh tế, gần hơn với TPP nhưng sẽ được làm mới hơn".
Ông Phạm Quang Vinh cho biết tại Mỹ, mỗi khi bàn về hiệp định thương mại đều gây tranh cãi trong nội bộ. Hơn nữa, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ "chìm đắm" trong các vấn đề nội bộ cấp bách cần giải quyết. Do đó, với Mỹ, một hiệp định như vậy cần nhiều thời gian.
Ngoài ra, bất cứ một hiệp định đối tác đa phương nào ra đời ở Mỹ hay có sự tham gia của Mỹ đều do Quốc hội nước này xem xét và định đoạt và cá nhân tổng thống không thể đưa ra quyết định theo ý mình.
Bên cạnh các hiệp định thương mại, quan hệ đa phương của Mỹ cũng được dự báo sẽ có nhiều thay đổi nếu ông Biden lên nắm quyền, ví dụ như quay lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, những vấn đề liên quan tới Iran, bán đảo Triều Tiên hay Trung Đông là những thách thức không nhỏ với chính quyền mới khi phải đối diện với loạt di sản của chính quyền ông Trump.
"Bên cạnh những điều không thể đảo ngược, việc kết hợp giữa cái mới và cái cũ, cái mới của ông Biden, cũ của ông Obama và di sản của ông Donald Trump không phải là điều dễ dàng, trong bối cảnh phải tập trung vào các vấn đề trong nước", Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, liên quan tới vấn đề đối ngoại, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ngày càng gia tăng nhưng hai bên không thể không hợp tác. Việc quản trị cạnh tranh và hợp tác Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ ổn định và dễ lường hơn nhưng hiệu quả đến đâu là chuyện khác, ông Vinh nhận định.
Đề cập tới phong cách chính trị, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng ông Biden nhiều khả năng sẽ quay lại phương thức ngoại giao truyền thống với các lớp lang chiến lược và dễ đoán định hơn, không còn các yếu tố bất ngờ như của ông Trump.
Ông Biden cũng sẽ nhấn mạnh vào hệ giá trị nhiều hơn. Hệ giá trị vốn là truyền thống của đảng Dân chủ, đồng thời cũng là di sản từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và Joe Biden với vai trò phó tổng thống. Hệ giá trị này không chỉ là dân chủ, dân quyền, mà còn mở rộng sang biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, tiêu chuẩn lao động.
Bên cạnh đó, như chính ứng viên đảng Dân chủ từng tuyên bố, chính quyền của ông sẽ khôi phục và coi trọng hơn mối quan hệ đồng minh và đối tác với cách tiếp cận thông qua các cơ chế và tổ chức đa phương mạnh mẽ hơn.
Xem thêm: mth.84751500202110202-noh-hnam-neirt-tahp-gnac-yagn-ed-os-oc-ueihn-oc-ym-teiv-eh-nauq/nv.ymonocenv