Dịch COVID-19 được kiểm soát, tiêu thụ ô tô phục hồi
Trong nửa đầu năm, ngành ô tô bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, doanh số bán hàng của các thành viên Hiệp hội ô tô Việt Nam (VAMA) giảm 30% so với cùng kỳ, xuống còn 102.720 chiếc.
Tuy vậy, với những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ như giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được giúp giảm chi phí mua xe, khôi phục nhu cầu của người dân.
Doanh số xe từ tháng 7 đến tháng 10 đạt 104.424 chiếc (ghi nhận tăng 1% so cùng kỳ). Sau 10 tháng, ngành ô tô ghi nhận sụt giảm 17%, chỉ đạt 204.144 chiếc.
Theo nhận xét của chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chính sách nêu trên đã kích cầu xe du lịch nên doanh số từ tháng 7 đến tháng 10 đã tăng 3,1% so cùng kỳ, lên 77.022 chiếc. Trong khi đó, đà giảm doanh số xe thương mại và đặc chủng cũng chậm lại khi hết cách ly xã hội và nền kinh tế tăng trưởng trở lại từ quý 3/2020.
Xét theo nguồn gốc xuất xứ, từ tháng 7 đến tháng 10, trong khi lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng 10,8% so cùng kỳ (đạt 68.066 chiếc), doanh số xe nhập khẩu tiếp tục giảm 14,8% (còn 37.160 chiếc). Nguyên nhân do các chính sách của Chính phủ chỉ hỗ trợ giảm chi phí sản xuất và chi phí mua xe cho xe nội địa.
Còn xét theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 34,8%. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi. Trong đó, thị phần Mitsubishi tiếp tục tăng trưởng nhờ sự ưa chuộng của người mua với mẫu xe Mitsubishi Xpander. Ford - đơn vị "thống lĩnh" phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,8%.
VDSC đánh giá, thông thường, các công ty lớn sẽ có lợi thế về giá thành sản xuất nhờ quy mô lớn, giúp giá bán phù hợp với túi tiền của người mua hơn. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty nhỏ, qua đó thị phần của các công ty khác giảm dần qua các năm.
Ngành ô tô có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới
Theo đánh giá của chuyên gia VDSC, ngành ô tô trong nước đang được hưởng lợi nhờ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Từ ngày 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt chuẩn (hiện có 9 đơn vị như Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai,…) được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được.
Điều này giúp chi phí sản xuất giảm 2-5%, hỗ trợ giảm giá bán và kích thích nhu cầu mua xe của người dân.
Ngoài ra, Chính phủ đang xem xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt những linh kiện đã được nội địa hóa (hiện mức thuế cao khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20%) và hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Nhóm phân tích cũng đánh giá, tiềm năng tăng trưởng ngành dựa trên 3 yếu tố quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người và số lượng xe trên 1.000 dân.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về dân số với tổng số dân hiện tại ở mức 97,6 triệu người và đến năm 2025 dự kiến sẽ đạt 101,1 triệu người.
GDP bình quân đầu người năm 2019 ở mức 2.590 USD nên dự kiến sẽ sớm vượt mức 3.000 USD trong vài năm tới, khi đó xu thế ô tô hóa sẽ diễn ra và tiến tới tỷ lệ 50 xe/1.000 dân. Chuyên gia VDSC cho biết, thông thường khi mức GDP bình quân của 1 quốc gia vượt mốc 3.000 USD, tỷ lệ tăng trưởng ngành ô tô sẽ cao hơn.
Theo công ty khảo sát BMI, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp trong khu vực với chỉ 23 xe/1.000 dân. Do đó, dự báo doanh số xe năm 2021 trở đi sẽ đạt trên 500.000 xe (tăng 25% so với năm 2019).
Hệ thống giao thông cải thiện, kích thích nhu cầu sử dụng xe ô tô. Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ có 48 dự án giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2020, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Ngoài ra, các tuyến metro nội đô của Hà Nội và TP.HCM sẽ sớm đưa vào sử dụng trong năm 2021 sẽ giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông.
Cùng với đó, áp lực thanh lý hàng tồn kho thấp hơn các năm trước cũng là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ.
Trong 9 tháng, dịch bệnh đã làm hạn chế nguồn cung trong và ngoài nước (các nhà máy trong nước phải đóng cửa đợt cách ly xã hội tháng 4, khó khăn trong việc nhập khẩu linh kiện, phụ kiện và sản xuất Thái Lan sụt giảm khiến cung xe nhập khẩu giảm) nên ước tính số xe tiêu thụ đã vượt tổng nguồn cung. Qua quý 4, VDSC dự kiến, tổng cung đạt 127.000 chiếc, tổng cầu đạt 122.000 chiếc, nên năm 2020 tồn kho không đáng kể.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, chuyên gia VSDC cũng lưu ý, còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp ô tô nội khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Hiện cả nước có tầm 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 10-15%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia (70%). Điều này khiến giá thành ô tô sản xuất tại Việt Nam cao hơn 10-20%, giảm tính cạnh tranh so với các mẫu xe nhập khẩu.
Kết luận lại, VDSC cho rằng, doanh số bán hàng ngành ô tô sẽ tăng trưởng ở quý 4/2020 và năm 2021 nhờ tình hình kinh tế tích cực và những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Nhiều khả năng biên lợi nhuận gộp không cải thiện do cạnh tranh cao nhưng nhờ chi phí bán hàng được tiết giảm (không còn phải đưa ra các chính sách khuyến mãi để kích cầu như nửa đầu năm 2020 hay để thanh lý hàng tồn kho như năm 2019) sẽ giúp lợi nhuận sau thuế của các công ty ô tô tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!