vĐồng tin tức tài chính 365

Sống cùng con hay sống vì con?

2020-11-22 10:19
Sống cùng con hay sống vì con? - Ảnh 1.

Khi con 0-6 tuổi, đó là “thời gian vàng” để cha mẹ gần gũi, dành nhiều thời gian, tạo điều kiện để con hình thành tính cách, phát triển toàn diện hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu có ở bên con, cha mẹ cũng chưa "sống hết mình" cùng con.

Con cần cha mẹ "sống cùng"

Sáng chủ nhật ở khu vui chơi trẻ em công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM), bé Na cứ "lôi" ba chơi hết trò này đến trò khác. Anh Long - cha của bé cho biết, hiếm khi cả nhà cùng đi chơi thế này. Anh hiện là nhân viên phát triển thị trường cho một công ty ở quận 3. "Công việc đòi hỏi gần như không giới hạn, đang làm cái này lại phải vắt óc nghĩ ra cái khác. Thời gian nghỉ ngơi cho bản thân còn không có nữa là", anh chia sẻ.

Còn mẹ bé Na là một giảng viên đại học. Do hai vợ chồng đang nỗ lực dành dụm để vài năm tới mua căn hộ nho nhỏ nhằm thoát cảnh nhà thuê, nên chị tranh thủ dạy thỉnh giảng buổi tối và cả cuối tuần cho nhiều trường bạn và đi các tỉnh theo lời mời. "Đứng lớp nhiều mệt lắm nhưng phải cố theo. Vợ chồng tôi thường chỉ có thể đưa con đi chơi vào dịp lễ, tết thôi. Mới đó mà con bé đã lớn thế kia rồi", chị tâm sự.

Không riêng gì vợ chồng anh Long, nhiều cha mẹ ngày nay quay cuồng theo công việc mưu sinh để đảm bảo kinh tế gia đình và lo cho con cái được no đủ, học hành đến nơi đến chốn. Nhưng theo các nhà giáo dục, trẻ cần cha mẹ không chỉ "sống vì con" mà còn mong mỏi được cha mẹ "sống cùng con", để chúng có thể lớn khôn trong một gia đình hạnh phúc. Và việc cha mẹ dành thời gian tương tác sẽ giúp con phát triển cả về thân, trí và tâm, đặc biệt là trong "giai đoạn vàng" - từ 0 đến 6 tuổi.

Chuyên viên tâm lý - TS Phạm Thị Thúy phân tích: "Chơi đùa hay hoạt động gì đó cùng cha mẹ là cơ hội để con trẻ vận động, rèn luyện thể chất. Qua đó, vốn ngôn ngữ của trẻ tăng nhanh và trẻ học được nhiều thứ: cách làm việc, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, đứng lên trên vấp ngã, kinh nghiệm sống...". Điều quan trọng nữa, theo bà Thúy, việc cả nhà chơi đùa cùng nhau khiến cho con trẻ vui vẻ và hạnh phúc khi được "đầm mình" trong bầu không khí gia đình ấm áp.

Chất quan trọng hơn lượng

Theo ông Phan Quang Thịnh - giám đốc dự án khảo sát xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị", do điều kiện, hoàn cảnh rồi nhu cầu kiếm sống, mục tiêu cá nhân... nên nhiều bậc cha mẹ khó mà thay đổi, sắp xếp công việc trong một sớm một chiều. Do đó các bậc cha mẹ trước tiên cần tăng chất lượng mỗi khi có thời gian ở bên con. Theo đó, khi trò chuyện hay làm gì đó cùng con thì cha mẹ cần tập trung 100%: đầu óc không nghĩ tới công việc, không tranh thủ làm việc khác, tay không cầm điện thoại và mắt không canh chừng tin nhắn điện thoại...

"Con ở độ tuổi từ 0-6 sẽ rất cần cha mẹ chơi như là bạn. Nếu cha mẹ không chuyên tâm thì không thể chơi được với con. Cho nên tăng chất lượng thời gian dành cho con không phải dễ, nhất là với cha mẹ bận rộn", bà Thúy nói. Có những cha mẹ nhận ra việc cần dành thời gian vui đùa, hoạt động cùng con mà mãi vẫn không sắp xếp được, cho đến khi chợt nhìn lại thì con đã qua tuổi thơ hoặc không còn "cần" cha mẹ nữa. "Do đó, tăng chất lượng thời gian dành cho con cần làm càng sớm càng tốt, ngay và luôn", bà Thúy chia sẻ.

Không chỉ tăng chất, ông Thịnh còn gợi ý cha mẹ tăng lượng thời gian dành cho con bằng cách tranh thủ những lúc đưa đón con đi học, trò chuyện trước khi con ngủ... Còn theo bà Thúy, bà đã thực hiện tích hợp thời gian của hai mẹ con: "Tôi đi dạy, kể cả đi tỉnh, nếu con rảnh thì cũng kéo con theo luôn. Như vậy con có thêm cơ hội giao tiếp, mở mang hiểu biết...". Hay như các ông bố có thể kéo con cùng tập thể dục, chơi thể thao hay làm việc gì đó, nhờ vậy mà cha con có thời gian trò chuyện, tâm sự, chia sẻ chuyện nọ chuyện kia.

Nhưng để "tạo ra" thời gian đáng kể dành cho con, cha mẹ cần từng bước sắp xếp công việc để không còn "lu xu bu" nữa. Theo bà Thúy, cha mẹ có thể xác định rõ từng mục tiêu và ưu tiên tập trung cho mục tiêu quan trọng và khẩn cấp hơn để tránh thời gian bị "cắt vụn" và ngổn ngang công việc. Chưa hết, cha mẹ cần lập kế hoạch thực hiện rõ ràng cho từng mục tiêu để không bị ngập trong công việc. "Thiếu hai kỹ năng xác định mục tiêu và lập kế hoạch thì sẽ không quản lý được thời gian. Hai cái này có khi cần học tập mới có thể thực hiện hiệu quả được", bà Thúy nói.

Ngoài ra, các nhà tham vấn tâm lý vẫn thường nêu câu hỏi "cái gì quan trọng hơn: con hay tiền?", để các cha mẹ bận rộn có thể cân nhắc và ưu tiên tập trung vào. Ngoài ra, tùy giai đoạn phát triển của con mà mức độ ưu tiên cũng khác nhau. Chẳng hạn khi con từ 0-6 tuổi hoặc dậy thì, cha mẹ cần ưu tiên tập trung cho con nhiều hơn việc kiếm tiền hay các mục tiêu cá nhân khác. "Đôi khi cha mẹ cần biết hi sinh bớt công việc để sống cùng con, vì nhu cầu của con. Ai cũng có quyền lựa chọn mục tiêu và quyết định cách sử dụng thời gian của mình, vấn đề là mình đang ưu tiên cho việc gì mà thôi", bà Thúy chia sẻ thêm.

Khảo sát trên 400 học sinh cấp 2 và 3 tại TP.HCM và Hà Nội, dự án xã hội "Hành vi tuổi teen đô thị" (do Công ty nghiên cứu thị trường TITA phối hợp với chuyên gia tâm lý thực hiện gần đây) cho kết quả: Trung bình mỗi ngày các em tương tác với cha mẹ 1 giờ 45 phút, chủ yếu vào giờ ăn và xem tivi. Chủ đề trò chuyện, trao đổi giữa cha mẹ và các em thường liên quan đến học hành (86%), quan hệ bạn bè (54%), giờ giấc sinh hoạt (41%) và chăm sóc bản thân (37%). Cũng theo khảo sát này, đây là những việc mà cha mẹ thường hay la mắng các em nhất.

Cùng gỡ Cùng gỡ 'nút thắt' con đầu lòng

TTO - Giai đoạn có con đầu lòng luôn mang đến nhiều niềm vui cho đôi lứa uyên ương nhưng đồng thời cũng đặt hôn nhân của họ sang trang mới với những thử thách chưa từng gặp trước đó.

Xem thêm: mth.27955118022110202-noc-iv-gnos-yah-noc-gnuc-gnos/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sống cùng con hay sống vì con?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools