Bà Xuyến ki cóp từng đồng từ việc bán vé số để nuôi sống gia đình và chăm lo cho người bạn hàng xóm - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Càng đáng trân trọng hơn khi họ còn gánh nặng nuôi một người con khờ cùng một người bà con nằm liệt giường.
Chăm sóc người bạn hàng xóm
Nghe tin có đoàn từ thiện đến, bà Nguyễn Thị Xuyến vội cất xấp vé số còn bán dở vào túi rồi lật đật đạp xe về dẫn đường vào nhà ông Sáu nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ thuộc khu phố 5, phường 10, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. "Đã 8 năm nay ngày nào cũng cơm nước cho ông ấy, tôi chỉ bỏ công. Còn lại gạo, mắm toàn đi xin về cho ông ấy", bà Xuyến nói. Trong căn nhà tôn xập xệ, ẩm thấp được cất đậu trên một mảnh đất sát mé kênh, ông Sáu râu tóc bờm xờm ngồi ngóng ra cánh cửa mủ khép hờ. Ông đang chờ hoặc là bà Xuyến, hoặc là chồng bà - ông Trần Văn Xuân mang cơm vào.
Ông Sáu là tên mà ông Xuân - bà Xuyến hay gọi, chứ ông tên đầy đủ là Trần Văn Ngàn, đồng tuổi vợ chồng ông Xuân - bà Xuyến. "Hồi trước chồng tôi với ổng là bạn thâm giao. Vậy mà cách đây khoảng 8 năm, sau một trận đột quỵ ổng ngã xuống một cái rồi nằm luôn cho tới giờ, người thân cũng không ai có khả năng lo", bà Xuyến kể. Đều đặn ngày 2 lần, vợ chồng bà Xuyến thay nhau đưa cơm nước vào cho ông Sáu bất kể ngày nắng hay mưa. "Thấy ổng khổ quá thì mình thêm chén cơm, đôi đũa nuôi ổng được ngày nào hay ngày đó", bà Xuyến nhìn ông Sáu nhẹ nhàng nói.
Hằng ngày gia đình bà Xuyến ăn gì thì bữa cơm của ông Sáu cũng y vậy. Quần áo ông Sáu mặc cũng toàn là quần áo cũ do hai vợ chồng bà Xuyến đi xin của người này, người kia. Đến chiếc giường ngủ của hai vợ chồng bà Xuyến mới đây họ cũng mang tặng cho ông Sáu nằm bởi giường của ông Sáu bị hư. Hai vợ chồng bà Xuyến trải chiếu nằm dưới gạch. "Dù sao nhà tui cũng không bị ngập nước, ẩm thấp như nhà ông Sáu", bà Xuyến cười tươi nói.
"Người dưng" thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
Ông Sáu trước đây cũng có vợ con nhưng sau đó hạnh phúc gia đình tan vỡ, mỗi người đi một nơi. Hai người con gái của ông Sáu cũng rất ít khi về thăm ông. Bà Xuyến cho biết cách đây chừng vài tháng, con gái ông có về nhưng thoáng chốc rồi lại đi mất tăm.
Trước đây, khi vợ chồng bà Xuyến còn mạnh tay mạnh chân, mỗi lần tắm rửa, cắt tóc là họ lại bế ông lên chiếc xích lô rồi đẩy ra tiệm để hớt. Nhưng mấy năm trở lại đây, bà Xuyến chân bị yếu, còn ông Xuân sức khỏe cũng không còn được như trước nên đành bất lực nhìn ông râu tóc xồm xoàm. Lâu lâu có đoàn từ thiện nào đến thì ông nhờ họ cắt.
Sáng sớm hằng ngày, bà Xuyến lại kê chiếc tủ kiếng tại ngã tư Đoàn Thị Nghiệp - quốc lộ 60 để bán vé số. Ngày nào bán đắt thì kiếm được trên dưới 100.000 đồng, ngày ế thì vài ba chục ngàn nhưng đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, bởi chồng bà hiện sức khỏe đã yếu, không còn chạy xích lô hơn nửa năm nay. Người con gái khờ khạo của bà cũng không biết làm gì để có thu nhập. Đã vậy, bà còn nhận chăm thêm một người dì đã gần 100 tuổi nằm liệt giường.
Thấy hoàn cảnh bà Xuyến khó khăn, lại đi nuôi thêm người bạn hàng xóm, nhiều người trong xóm vẫn thường gom góp gạo, nước tương, nước mắm phụ giúp bà. Cô bán rau đầu con hẻm dẫn vô nhà bà Xuyến cũng thỉnh thoảng góp mấy bó rau cho cả nhà và ông Sáu có những bữa cơm mát ruột.
Có nhiều hôm do bận chăm sóc ông Sáu, vé số bị ế nhưng trả không kịp, những người chạy xe ôm, người bán bánh gần đó cũng cầm xấp vé số của bà Xuyến để bán phụ. Cứ thế, tình yêu thương cứ tự nhiên lan tỏa giữa những con người nghèo khổ nhưng hào sảng và đậm chất miền Tây.
Bà Xuyến lau mặt, chuẩn bị cắt tóc cạo râu cho ông Sáu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Ông Nguyễn Văn Lùm - trưởng khu phố 5, phường 10, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - cho biết gia đình bà Xuyến thuộc diện hộ nghèo nhưng rất giàu tình cảm, nghĩa cử của ông Xuân - bà Xuyến rất đáng trân trọng.
"Bên cạnh việc giới thiệu các đoàn từ thiện hỗ trợ thêm cho bà Xuyến để có kinh phí chăm sóc ông Sáu, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa ông Trần Văn Ngàn (Sáu) vào trung tâm xã hội tỉnh để chăm sóc cho ông được tốt hơn", ông Lùm nói.
TTO - Dốc cả gia tài mua mảnh đất "ai qua lại cũng sợ", để rồi gần 30 năm nay, một gia đình ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh lặng lẽ bảo vệ "lão cây" mà họ coi là báu vật cho đời sau.
Xem thêm: mth.24325059022110202-oehgn-nab-gnam-uuc-os-ev-nab-ol-hcix-pad/nv.ertiout