G20 quyết tâm dùng mọi công cụ hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu
TH
(TBKTSG Online) - Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến diễn ra trong hai ngày 21 và 22-11-2020. Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến trong năm 2020 nhằm phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm. Hôm nay, ngày 22-11, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tham dự Phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị về chủ đề "xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Tối 21-11 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Quốc vương Salman của Saudi Arabia.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức…) và khách mời (Thủ tướng Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Ngày 21-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm". Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch Covid-19, trong đó đánh giá cao những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 của các nước G20, nhất là thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô trong phục hồi kinh tế. |
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các ngân hàng phát triển đa phương đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước ứng phó dịch COVID-19; cam kết tiếp tục triển khai Sáng kiến hoãn, giảm nợ cho các nước đang phát triển (DSSI) trong năm 2021.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và phục hồi kinh tế, khẳng định ủng hộ chính trị thúc đẩy các cải cách cần thiết của WTO; tăng cường khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Lãnh đạo nhiều nước cũng đề cập vai trò quan trọng của kinh tế số trong ứng phó dịch Covid-19 và duy trì các hoạt động kinh tế; khẳng định vai trò quan trọng của kết nối và dòng dữ liệu tự do đi đôi với bảo đảm tin cậy trong phát triển kinh tế số.
Tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo khẳng định lại các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đặc biệt về Covid-19 ngày 26-3-2020, triển khai mọi biện pháp và nguồn lực cần thiết để bảo vệ mạng sống và sinh kế của người dân, phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm; nhất trí bảo đảm vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 được tiếp cận bình đẳng và với chi phí phù hợp.
Các nhà lãnh đạo G20 dự kiến sẽ xem xét việc có gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ thêm sáu tháng trong mùa Xuân 2021 hay không và đã thông qua cơ chế chung nhằm giải quyết các vấn đề về nợ.
Theo dự thảo thông cáo của hội nghị thượng đỉnh diễn ra trực tuyến trong hai ngày 21 và 22-11, các nền kinh tế thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ quyết tâm sử dụng mọi công cụ để kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn không đồng đều, rất không chắc chắn và tùy thuộc vào những rủi ro suy giảm lớn.
Dự thảo thông cáo cho biết, các nhà lãnh đạo nhóm quyết tâm sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có nếu cần để bảo vệ tính mạng con người, việc làm và thu nhập, hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và tăng cường hệ thống tài chính, trong khi ngăn chặn những rủi ro suy giảm.
Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh việc kiểm soát đại dịch là yếu tố quyết định đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Theo các nhà lãnh đạo, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động tới những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và một số nước có thể cần được giảm nợ, thay vì đóng băng tạm thời các khoản thanh toán nợ chính thức cho đến tháng 6-2021.
Theo một lá thư mà Thủ tướng Na Uy, Erna Solberg, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen mới đây cùng ký tên, các nền kinh tế G20 cần đóng góp vào phần quỹ còn thiếu hụt 4,5 tỉ đô la Mỹ của chương trình phân phối vaccine Covid-19 mà WHO thúc đẩy và mở đường cho việc đẩy lùi đại dịch này.
Các nhà lãnh đạo G20 dự kiến sẽ xem xét việc có gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ thêm sáu tháng trong mùa Xuân 2021 hay không và đã thông qua cơ chế chung nhằm giải quyết các vấn đề về nợ, một quyết định đã được Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ chính thức ủng hộ. Theo dự thảo thông cáo, các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tìm kiếm các công cụ bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước khi cuộc khủng hoảng tiếp tục và giải quyết các thách thức cụ thể mà các quốc gia nhỏ đang phát triển đối mặt. |
Tổng hợp từ TTXVN