Mất tiền tỉ sau cuộc gọi hù dọa
Theo nội dung vụ án, khoảng 11h ngày 30/8/2018, bà Phan Vân A. đang làm việc tại cơ quan (đơn vị sự nghiệp thuộc một Bộ) thì nhận được cuộc gọi đến điện thoại bàn. Đối tượng giả danh cán bộ TAND TP Hà Nội đang thụ lý đơn tố cáo về việc bà A. đang nợ tiền cước điện thoại.
Tiếp đó, một đối tượng khác giả danh là cán bộ cảnh sát phòng chống tội phạm TPHCM nói bà A. đang liên quan tới vụ án mua bán ma túy xuyên quốc gia, số tiền trong tài khoản của bà là tiền phạm pháp nên sẽ bắt giam.
Đồng thời, các đối tượng gửi cho bà A. một lệnh bắt khẩn cấp của tòa án qua ứng dụng Zalo. Theo đó, yêu cầu bà A. phối hợp với cơ quan điều tra.
Do tin là cơ quan điều tra thật và được yêu cầu phối hợp xác minh nguồn gốc tiền của mình trong tài khoản nên bà A. đã cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền tới tài khoản các đối tượng đã chỉ định sẵn. Tổng số tiền bà A. bị chiếm đoạt là 340 triệu đồng.
Tương tự trường hợp của bà A. là ông Hà Việt T. (sinh năm 1960) công tác tại một bệnh viện lớn. Khoảng 13h ngày 3/4/2018, khi đang làm việc thì ông T. nhận được cuộc gọi đến điện thoại bàn, đối tượng thông báo ông T. đang có một đơn kiện của tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel vì nợ cước điện thoại.
Theo đó, các đối tượng cho ông T. biết là bọn tội phạm đã đánh cắp thông tin cá nhân của ông T. mở tài khoản mang tên ông T. để chuyển tiền mua bán ma túy, số tiền có trong tài khoản là 6 tỷ đồng, đã bị công an phát hiện, các đối tượng khai mỗi giao dịch ma túy thành công thì ông T. được nhận 200 triệu đồng.
Tiếp đó, có đối tượng khác gọi điện thoại tới số điện thoại di động của ông T. và cho biết sẽ tiến hành hỏi cung ông T. qua điện thoại, có ghi âm, nếu ông T. không ông đồng ý thì sẽ bắt vào TPHCM để điều tra. Các đối tượng yêu cầu ông T. chuyển số tiền 106 triệu đồng vào tài khoản chỉ định và chiếm đoạt.
Cùng khoảng thời gian trên, Công an TPHCM và TP Hà Nội liên tục nhận được các đơn tố cáo của bị hại có hành vi tương tự như nên. Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc thì xác định đây là đường dây lừa đảo do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu.
Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ
Cơ quan điều tra xác định đầu tháng 1/2018, 2 đối tượng có tên Hồng Trà, Tiểu Lâm (chưa rõ lai lịch) đã câu kết với Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta cùng nhiều đối tượng người Đài Loan và Việt Nam dùng thủ đoạn giả danh công an, viện Kiểm sát, tòa án gọi điện thoại đến những người bị hại, rồi đưa thông tin họ liên quan đến hoạt động tội phạm, đe dọa bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chúng kiểm tra.
Sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định thì Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm rút ra chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân. Bằng thủ đoạn trên, Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm đã thực hiện trót lọt 18 “phi vụ” chiếm đoạt số tiền 10,7 tỷ đồng. Trong đó có 2 vụ việc của bà A. và ông T. ở trên.
Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo vô cùng lớn cùng những thủ đoạn hết sức tinh vi và dùng kỹ thuật, công nghệ cao để gian dối, chiếm đoạt.
Nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh công an, Viện KSND, thanh tra, tòa án, bưu điện, ngân hàng... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỉ lệ hơn 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo một thẩm phán tại TPHCM, việc phát hiện, khởi tố và xét xử các đối tượng lừa đảo bằng hình thức trên không gian mạng, điện thoại... rất khó khăn. Người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh trước những cuộc điện thoại lạ và báo ngay cho cơ quan công an để tránh trở thành nạn nhân. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân… cho bất kỳ ai không quen biết.
Xuân Duy