Ở không được, bán cũng chẳng xong
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Lê Diễm Quỳnh - một người đầu tư bất động sản (BĐS) ở Hà Nội - chia sẻ: “Khi mới đầu tư vào lĩnh vực này, tôi đã nhận được “quả đắng” trong một giao dịch mua nhà giá rẻ. Môi giới chào hàng căn nhà 3 tầng tại quận Long Biên mới xây, pháp lý "sạch", diện tích 40 m2, với giá là 1,5 tỷ đồng. Thời điểm đó, một mảnh đất diện tích tương đương đã trị giá khoảng 1 tỷ đồng, nghĩ bụng chỉ thêm mấy trăm triệu đồng nữa mà được nguyên một căn nhà 3 tầng mới xây thì thực sự rất rẻ. Thế nên sau khi được chủ nhà bớt 50 triệu đồng “gia lộc”, tôi liền trao tiền mua căn nhà đó”.
Tuy nhiên, theo chị Quỳnh, nhà chưa kịp bán lại thì tường nhà xuất hiện những vết nứt nhỏ, trần nhà thì bị thấm, mỗi lần trời mưa, nước men theo trần nhỏ giọt dưới sàn. Mưa càng to, nước nhỏ xuống càng nhiều. Những chỗ bị thấm ngày càng lan rộng, vết nứt ở tường cũng ngày càng nứt to hơn. Không thể bán lại căn nhà trong tình tràng thấm dột như vậy nên chị Quỳnh đành ngậm ngùi bỏ ra hàng trăm triệu để sửa chữa .
Còn anh Vi Tiến Dũng - một công chức người ngoại tỉnh có nhu cầu mua nhà ở Hà Nội để “an cư lạc nghiệp” - thì lại dính bẫy nhà giá rẻ trong một tình huống khác. Theo anh Dũng, qua nhiều kênh thông tin, anh nhắm tới một căn chung cư mini tầng 5 ở quận Hai Bà Trưng vì ưu điểm nằm trong nội đô, tiện việc đi làm và diện tích nhỏ, giá rẻ phù hợp túi tiền vợ chồng trẻ.
“Nhà xây sẵn vuông vắn gọn gàng, có thang máy, giá lại chỉ hơn một tỷ đồng nên sau khi vay mượn bố mẹ thêm vài trăm triệu, vợ chồng tôi vui mừng dọn đến ở ngay. Tuy nhiên, có lẽ quá phấn khởi vì sắp có nhà nên tôi cũng không hỏi kỹ chủ nhà về giấy tờ nhà. Đến lúc cần thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng, tôi mới biết toàn bộ căn chung cư mini 7 tầng chung một sổ đỏ, chủ nhà chưa tách sổ cho các hộ dân”, anh Dũng nói.
Anh Dũng cho hay, lúc này trả lại không được, tự đi tách sổ thì vướng hàng loạt thủ tục không thể đáp ứng, bản thân anh cảm thấy bất an vì không biết sẽ còn phát sinh những vấn đề gì trong suốt quá trình chung sống sau này với các hộ dân ở chung tòa nhà.
Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, một chuyên gia tư vấn BĐS cho hay, nhiều người kinh doanh nhà đất có tiềm lực hạn chế về vốn thường xây những căn nhà phố hoặc chung cư mini giá rẻ để bán cho đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
Vì vốn “mỏng”, muốn chốt lãi nhanh nên trong quá trình thi công, họ sẽ sử dụng những nguyên vật liệu rẻ tiền nhất, thậm chí là vật liệu cũ, tái sử dụng để tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng. Bề ngoài căn nhà đẹp đẽ nhưng các hạng mục bên trong thì có tuổi thọ ngắn nên nhà nhanh chóng xuống cấp.
“Một tình huống khó xử mà người mua nhà phố, chung cư mini giá rẻ rất dễ gặp phải là đồng sở hữu sổ đỏ với các hộ liền kề khác. Chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc thu lợi nhuận nhanh nhất nên không làm thủ tục tách sổ riêng biệt cho từng căn nhà trên miếng đất chung. Vì thế, khi khách hàng có nhu cầu sửa sang, bán lại hay thế chấp... thì sẽ cực kỳ rắc rối về mặt pháp lý”, vị chuyên gia nhận định.
Nhà đất giá rẻ, ôm trọn rủi ro
Mua nhà đất giá rẻ là hoạt động mang lại nhiều rủi ro, đã được chuyên gia nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Trong đó, rủi ro lớn nhất là việc khó xác minh chính xác nguồn gốc của đất, không đảm bảo yếu tố pháp lý, gây khó khăn thiệt hại cho khách hàng khi xảy ra tranh chấp.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch hội Môi giới BĐS Việt Nam - phân tích: Ở phân khúc căn hộ giá rẻ, thời gian qua có một số chung cư sau nhiều năm vẫn chưa được cấp “sổ hồng” (giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và tài sản trên đất), chủ yếu do chủ đầu tư xây dựng khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa đóng tiền sử dụng đất…
“Bên cạnh đó, còn một loại hình nữa là mua nhà giá rẻ dưới hình thức căn hộ mini. Loại căn hộ này nếu thiếu các điều kiện về phòng cháy chữa chưa và các quy chuẩn đối với chung cư mini thì cũng không được cấp “sổ hồng” để có thể được tách sổ. Do vậy, tính pháp lý của những căn hộ dạng này là rất yếu”, ông Đính nói.
Trước vấn đề trên, vị Phó Chủ tịch hội Môi giới BĐS Việt Nam đưa ra một số khuyến cáo cho khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm: “Người dân ham rẻ mua các loại hình nhà không phù hợp các quy định của pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Tính pháp lý của tài sản không có hoặc yếu, khi xảy ra tranh chấp thì phần thiệt luôn thuộc về khách hàng. Thậm chí, trong một số trường hợp, người mua còn bị thu hồi nhà.
Một vấn đề nữa, tài sản của người mua không thể chuyển nhượng được trên thị trường, tính thanh khoản của sản phẩm đó sẽ rất thấp. Hơn nữa, khi người mua nhà cần xử lý vấn đề cho, tặng hay là thuế chấp vay vốn… thì đều không thể thực hiện được. Do vậy, tốt nhất người tiêu dùng không nên ham rẻ mà hãy mua nhà đất đầy đủ giấy tờ pháp lý, có chất lượng đảm bảo, của những chủ đầu tư uy tín, để tránh “tiền mất, tật mang”.
"Cẩm nang" để tránh tiền mất tật mang khi mua nhà giá rẻ
Nhà, đất đã có sổ đỏ/ sổ hồng chưa? Bạn cần đến tận nơi kiểm tra, so sánh thửa đất, căn nhà trên thực tế với thông tin trên sổ đỏ/sổ hồng có khớp hay không, so sánh sơ đồ bản vẽ và thửa đất trên thực tế.
- Tìm hiểu thông tin về quy hoạch, dự án xem căn nhà có nằm trong diện quy hoạch hay không.
- Tìm hiểu lối đi chung, hàng xóm... xem căn nhà có đang bị tranh chấp không.
- Tìm hiểu xem căn nhà có đang bị thế chấp ngân hàng hay không. Nếu thửa đất đang thế chấp thì bìa 4 hoặc 3 sẽ có thông tin thế chấp, giữa tờ này và sổ đỏ có dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.
- Kiểm tra kỹ thông tin trên hợp đồng mua bán, không mua bằng giấy viết tay hoặc vi bằng. - Không giao 100% tiền mua nhà nếu chủ nhà, chủ đầu tư chưa hoàn thiện các cam kết trên.
Đỗ Tuấn