Cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên giữa cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. 80 năm đã qua, và giờ cờ đỏ sao vàng bay hiên ngang cùng cả thế giới - Ảnh: TỰ TRUNG
Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hi vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam.
GS Trần Văn Giàu
Ngày hôm nay, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên những cột cờ ở khắp Việt Nam và kiêu hãnh đỏ thắm giữa hàng trăm lá cờ của các quốc gia thành viên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ít ai nhớ rằng lá cờ ấy đã xuất hiện lần đầu tiên 80 năm trước giữa cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
23-11-1940. Bi tráng và dũng liệt.
Cuộc khởi nghĩa "trời long đất lở"
Cuộc hội thảo "Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam" với 73 bài tham luận công phu, những thước phim ghi lại lời nhân chứng hào hùng đã phần nào tái hiện cuộc khởi nghĩa "trời long đất lở" 80 năm về trước.
Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940 đi vào ký ức những người dân Nam Kỳ là "đêm cộng sản dậy". Suốt 20 tỉnh thành, mạnh mẽ nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, lực lượng quần chúng - vũ trang đã nổi dậy ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh nhiều quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu đường. Ở một số xã, chính quyền cách mạng được thành lập.
Cờ đỏ sao vàng lần đầu phất phới bay lên ở Mỹ Tho, Cao Lãnh. Tính đến năm ấy, thực dân Pháp đã xâm lược và đô hộ Nam Kỳ 73 năm (từ 1867 - PV), nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ diễn ra rồi bị dập tắt, và chưa bao giờ có cuộc khởi nghĩa vũ trang nào diễn ra rộng khắp, huy động được lượng quần chúng tham gia đông đảo và đẩy cao tinh thần quyết liệt đến mức ấy.
Nhưng Nam Kỳ khởi nghĩa lúc ấy là trái vẫn còn xanh. Điều kiện khởi nghĩa vũ trang chưa chín muồi, kế hoạch lại bị lộ, nhà cầm quyền Pháp đã đối phó kịp thời và sau đó là những cuộc đàn áp khốc liệt.
Hàng ngàn người bị bắt, dây kẽm xỏ xâu giữa lòng bàn tay, những nhà tù không còn chỗ chứa, những cuộc xử tử diễn ra liên tục, những chiếc máy bay giội bom xuống làng mạc. Các lãnh tụ của Đảng, của Xứ ủy bị bắt và cùng nhau hi sinh anh dũng: Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... Không tính được bao nhiêu máu đã đổ.
Lòng son dạ sắt gan vàng
Đến hôm nay, giữa cuộc hội thảo, đàm luận về kết quả của khởi nghĩa Nam Kỳ, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử vẫn còn xót xa cân nhắc giữa những cụm từ: "thất bại" hay "chưa thành công", hay "chưa đi đến được thắng lợi cuối cùng"? "tổn thất", "bị dìm trong biển máu", hay "chấp nhận hi sinh"?...
Cụm từ nào cũng không thể hiện được hết sự bi tráng của lịch sử, tinh thần "lòng son dạ sắt gan vàng" của những chiến sĩ cách mạng và quần chúng vì khát vọng độc lập mãnh liệt mà đến với cách mạng. Họ không phải không biết những dao, mác trong tay mình là nhỏ yếu, không phải không biết chính quyền thực dân dù đang bị xâu xé giữa các đế quốc trong Thế chiến 2 nhưng vẫn còn rất mạnh, không phải không biết theo cách mạng là phải chấp nhận hi sinh. Biết nhưng vẫn lẫm liệt bước đến.
Thất bại là mẹ thành công. Cố giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định như vậy về khởi nghĩa Nam Kỳ ngay từ những ngày ấy, cuối năm 1940, khi ông vẫn còn là một người tù cách mạng bị giam giữ giữa rừng sâu Tà Lài, Đồng Nai.
Kinh nghiệm của người đi trước sẽ dẫn đường cho người đi sau, huống chi đây là những kinh nghiệm thấm máu. Từ ấy mà Trần Văn Giàu đã cùng các đồng chí của mình tổ chức vượt ngục, trở về miền Nam xây dựng lại cơ sở Đảng, khôi phục lại hoạt động, chờ đợi một thời cơ chín muồi hơn.
Cơ hội ngàn năm có một đã đến vào cuối tháng 8-1945, khi phát xít Nhật thua, còn phe đồng minh Anh, Mỹ chưa kịp đưa quân vào giải giáp, tiếp quản, tiếp tục phân chia thuộc địa. Cả Xứ ủy Bắc Kỳ, Nam Kỳ đều nhận bắt được cơ hội ấy, đường liên lạc không thông suốt, tổng khởi nghĩa Tháng Tám vẫn nổ ra đều khắp và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Tuyên ngôn độc lập được loan đi, được tất cả nhân dân tiếp nhận như liều thuốc "cải tử hoàn sinh" từ Bắc chí Nam.
Đường dẫn đến ngày 2-9 rỡ ràng ấy của dân tộc đã được xây đắp bằng những kinh nghiệm xương máu của khởi nghĩa Nam Kỳ.
Tổn thất rất lớn, hơn 90% cơ sở Đảng bị vỡ, nhưng từ khởi nghĩa Nam Kỳ, một lớp lãnh đạo mới đã trưởng thành, một lớp cán bộ mới đã được gieo mầm. Như Võ Văn Kiệt, năm 1940 vừa tròn 18 tuổi là quận ủy viên Quận ủy Vũng Liêm (Vĩnh Long), đêm ấy đã giắt con dao sau lưng, dẫn một lực lượng cả trăm người đi lấy đồn Bắc Nước Xoáy, đục chìm hai chiếc bắc (phà), cắt đứt giao thông của quân Pháp từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm, Trà Vinh.
Cũng trong cuộc khởi nghĩa này mà ông có bí danh đầu tiên trong đời: Lục Lạc. Đến tháng 8-1945, Võ Văn Kiệt đã lãnh đạo cướp chính quyền tại Rạch Giá.
Cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay
"Khởi nghĩa Nam Kỳ để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hi vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam" - TS Lê Văn Tý đọc lại lời viết của GS Trần Văn Giàu giữa cuộc hội thảo, khiến toàn hội trường xúc động cùng nhìn lên quốc kỳ.
Dù vẫn còn tranh luận về tác giả đầu tiên của bản thiết kế ngôi sao vàng năm cánh giữa nền cờ đỏ, nhưng chuyện lá cờ tung bay lần đầu giữa cuộc khởi nghĩa oanh liệt là không còn gì phải bàn cãi. Lần đầu người dân đã được có lá cờ của mình, nhìn lá cờ tung bay như chính khát vọng độc lập mãnh liệt. Quá trình thiết kế lá cờ, tìm mảnh vải đỏ, vải vàng vốn khan hiếm vì bị cấm buôn bán, lưu trữ để may được lá cờ đầu tiên được ôn lại hôm nay thật xúc động.
Ra đời và chói sáng trong Nam Kỳ khởi nghĩa như thế, vượt qua tổn thất tưởng không thể vượt qua như thế, cờ đỏ sao vàng đã trở thành quốc kỳ, đã cùng cách mạng Việt Nam đi qua thêm hai cuộc chiến tranh 30 năm thăm thẳm hi sinh mất mát, và nay có thể kiêu hãnh tung bay ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, nơi có sự hiện diện của Chính phủ, của người Việt Nam. Con đường thật dài nhưng đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn từ những ngày đầu tiên non xanh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lặp lại điều đó một lần nữa: "Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên, giá trị của sự hi sinh cao cả của cả dân tộc càng được khẳng định sâu sắc, toàn diện hơn. Tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc".
Trường tồn như quốc kỳ.
Lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ
Cho đến hôm nay, đã 80 năm, cứ đến ngày 23-11, một lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ lại được bà con miền Nam thành kính và thân ái tổ chức ngay tại xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn, TP.HCM - nơi đã diễn ra hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940 và những cuộc họp quyết định khởi nghĩa năm ấy.
TTO - Hội thảo khoa học 'Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam' do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo trung ương và Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 22-11.
Xem thêm: mth.82110802222110202-yk-man-gnart-ib/nv.ertiout